(sonla.gov.vn) Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quan tâm phát triển doanh nghiệp.
Với mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2030: Toàn tỉnh Sơn La có khoảng 5.490 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp tư nhân khoảng 70.900 tỷ đồng, tổng số lao động trong doanh nghiệp khoảng 53.520 nghìn người, tổng thu nhập bình quân người lao động 9 triệu đồng/tháng. Số doanh nghiệp tư nhân thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 320 doanh nghiệp. Khoảng 30% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thúc đẩy phát triển DNNVV; nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, đảm bảo tính nhất quán, ổn định, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của các chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển DNNVV, trong đó tập trung phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững. Phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên đối thoại, trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 24/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Tỉnh đề ra 4 nhiệm vụ giải pháp thực hiện gồm: hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DNNVV; quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển; hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng; hỗ trợ DNNVV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt để mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Diệp Hương