Cây Mận tam hoa cây thoát nghèo, làm giàu của nông dân thành phố
15/05/2025
(sonla.gov.vn) Vụ mận tam hoa năm nay nhiều hộ dân các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, thành phố Sơn La thu hoạch được nhiều và được giá. Nhiều hộ dân ở các xã, bản của thành phố không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu từ những vườn mận.
Cây mận tam hoa.
Thành phố Sơn La hiện có trên 2.240 ha mận, sản lượng đạt 20.000 tấn. Trong đó, có khoảng trên 1.000 ha mận tam hoa, năng suất trung bình đạt 8-10 tấn/ha; sản lượng gần 10.000 tấn/năm. Mận tam hoa còn gọi là mận cơm, khi mận còn xanh có vị chua thanh, mận chín chuyển dần sang sắc đỏ đậm, vị ngọt. So với mận hậu, mận tam hoa thường chín sớm hơn, thời gian cho thu hoạch từ tháng 3 đến đầu tháng 5 hằng năm. Những năm gần đây người dân thành phố đã tích cực quảng bá, bán hàng nông sản trong đó có mận tam hoa qua nhiều hình thức. Ngoài bán hàng trực tiếp cho các thương lái, người dân thành phố đã kết hợp bán hàng trực tuyến qua các mạng xã hội facebook, zalo và thường xuyên đăng tải hình ảnh vườn mận chín trên trang facebook để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm hái quả tại vườn. Mận tam hoa thành phố ngon, giòn hơn, được thị trường ưa chuộng. Với giá giao động từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg, tùy loại rải từ đầu vụ đến chính vụ. Nhiều hộ gia đình ở thành phố đã mở cửa đón du khách đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm hái mận trực tiếp tại vườn. Đây là một hình thức du lịch trải nghiệm khá mới mẻ khi đến với thành phố Sơn La vào mùa mận chín. Du khách được đắm chìm trong không gian yên bình, trong lành, tận hưởng hương vị của trái cây tươi ngon, an toàn và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc Sơn La.
Để hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc mận tam hoa hiệu quả các ngành chức năng của thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận tam hoa. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã chủ động nước tưới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, cải tạo, góp phần tăng năng suất, chất lượng quả, đáp ứng ngày càng cao của thị trường. Người nông dân cũng tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chủ động tìm kiếm đối tác tiêu thụ, nhiều lao động địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định từ trồng mận. Theo người dân tính toán, mỗi năm, trừ chi phí, nhiều gia đình trồng mận diện tích lớn thu nhập cả trăm triệu đồng. Việc xác định, phát triển cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế là một hướng đi đúng. Nó không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên khá giả.
Diệp Hương