Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025
(sonla.gov.vn) Ngày 16/5/2025, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025. Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đồng chí Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị; các huyện, thị xã, thành phố

anh tin bai
Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2025.

Hành trình 10 năm: Từ ngô, sắn đến cây ăn quả xuất khẩu

Mười năm trước, đất dốc Sơn La chủ yếu trồng ngô, sắn, lúa nương với hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo kết luận số 121-TB/TU, xác định chuyển đổi đất dốc sang trồng cây ăn quả là nhiệm vụ trọng tâm. Với lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng, Sơn La đã phát triển mạnh mẽ các loại cây ăn quả nhiệt đới và ôn đới như: nhãn, xoài, mận, chanh leo, bơ...

Đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 85.050 ha, sản lượng ước tính 510.000 tấn, tăng 219% diện tích và 332% sản lượng so với năm 2015. Trong đó, hơn 33.000 ha được chuyển đổi từ đất trồng cây lương thực kém hiệu quả. Cơ cấu cây trồng đa dạng từ 12 lên 25 loại, với các giống mới như: nhãn Ánh Vàng 205, chanh leo vàng Thái Bảo, bơ Booth. Diện tích đạt chuẩn VietGAP tăng gấp 37,7 lần, từ 126 ha lên 4.751 ha. Giá trị sản xuất trung bình đạt 150-300 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm.

anh tin bai
Các đại biểu dự hội nghị.

Xây dựng chuỗi giá trị và xuất khẩu

Sơn La đã hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất, chế biến đến xúc tiến thương mại. Toàn tỉnh có 560 cơ sở chế biến nông sản, trong đó 17 nhà máy quy mô lớn, nổi bật như: Nhà máy chế biến quả Nafood Tây Bắc, Nhà máy Vân Hồ của Tập đoàn TH. Giai đoạn 2017 - 2025, tỉnh thu hút 5 nhà máy chế biến lớn, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch và phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh với hơn 70 hội chợ, lễ hội trái cây. Các sản phẩm như: xoài, nhãn, mận, dâu tây... có mặt tại siêu thị lớn và trên các chuyến bay Vietnam Airlines. Năm 2025, Sơn La xuất khẩu 158.000 tấn quả tươi và chế biến, trị giá hơn 160 triệu USD, đến 15 thị trường quốc tế, với 218 mã số vùng trồng.

Tầm nhìn mới cho nông nghiệp xanh

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, thành quả 10 năm là minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương và nỗ lực của người dân. Cây ăn quả không chỉ là trụ cột kinh tế mà còn góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho gần 5.000 lao động và cải thiện môi trường sinh thái.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị.

Tới đây, Sơn La sẽ phát triển cây ăn quả theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn; thúc đẩy chương trình OCOP, liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - doanh nghiệp - ngân hàng - khoa học - phân phối). Tỉnh cũng sẽ ban hành cơ chế thu hút đầu tư, hình thành các cụm công nghiệp chế biến và logistics phục vụ vùng chuyên canh cây ăn quả.

anh tin bai
anh tin bai

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân vì những đóng góp xuất sắc trong thực hiện chủ trương.

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khen thưởng 9 tập thể, 49 cá nhân; UBND tỉnh khen thưởng 10 tập thể, 5 cá nhân vì những đóng góp xuất sắc trong thực hiện chủ trương.

Hành trình 10 năm đã biến những triền dốc Sơn La thành những vườn cây trĩu quả, thắp sáng khát vọng làm giàu và mở ra tương lai bền vững cho vùng đất Tây Bắc...

Quốc Tuấn

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1