Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La theo hướng bền vững: Phát huy tiềm năng, tạo đà bứt phá
(sonla.gov.vn) Trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Sơn La đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương để quy hoạch và phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Tập trung đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp gắn với lợi thế về năng lượng tái tạo và nông sản, Sơn La đang dần hình thành nền công nghiệp xanh, hiện đại, gắn liền với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống Nhân dân.

Tận dụng lợi thế năng lượng tái tạo để phát triển công nghiệp sạch

Với địa hình đồi núi xen kẽ hệ thống sông, suối dày đặc, Sơn La sở hữu tiềm năng to lớn trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 60 dự án thủy điện lớn nhỏ, trong đó có 57 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất hơn 3.790 MW. Việc khai thác hiệu quả nguồn thủy năng không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và mang lại nguồn thu ngân sách địa phương hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Các dự án thủy điện không chỉ được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường, mà còn gắn với phát triển hạ tầng giao thông, tái định cư và sinh kế cho người dân vùng lòng hồ. Điều này thể hiện rõ định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển bền vững của tỉnh Sơn La.

Phát triển công nghiệp chế biến - Đòn bẩy nâng tầm nông sản Sơn La

Là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của miền núi phía Bắc, Sơn La xác định công nghiệp chế biến nông sản là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để gia tăng giá trị nông sản và thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Hiện toàn tỉnh có 34 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp và khoảng 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ. Các ngành chế biến chủ lực gồm: Chè, cà phê, tinh bột sắn, đường, sữa, xi măng... Nhiều sản phẩm chế biến từ mận, xoài, chuối, nhãn, mắc ca, miến dong, cà phê, thủy sản… đã vươn ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra và thu nhập cho người dân.

anh tin bai
Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy sau khi hoàn thành.

Cùng với việc mở rộng quy mô, các cơ sở chế biến nông sản tại Sơn La từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, đóng gói. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Quy hoạch bài bản hệ thống khu, cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Để đảm bảo định hướng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch đi trước một bước. Theo Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh sẽ có 5 khu công nghiệp.

anh tin bai
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Mai Sơn.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030 ưu tiên phát triển 2 khu công nghiệp trọng điểm:

  • Khu công nghiệp Mai Sơn với quy mô 150 ha. Hiện nay, giai đoạn I đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục hạ tầng thiết yếu trên diện tích 63,7 ha đã giải phóng mặt bằng.
  • Khu công nghiệp Vân Hồ có quy mô 240 ha, được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Tỉnh đang tích cực kêu gọi nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp này, hướng tới hình thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ quy mô lớn.

Song song với phát triển các khu công nghiệp, Sơn La cũng quy hoạch phát triển 13 cụm công nghiệp đến năm 2030, phân bố tại các huyện và thành phố như: Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã, Mường La, Quỳnh Nhai… Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục mở rộng thêm 6 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích hàng trăm ha.

Quá trình quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp đều được tỉnh Sơn La gắn với tiêu chí bền vững, đảm bảo các yếu tố về môi trường, xử lý chất thải, hạ tầng giao thông kết nối và hài hòa với đời sống dân cư xung quanh.

Hướng tới nền công nghiệp xanh, tuần hoàn và hiệu quả

Quy hoạch phát triển công nghiệp theo hướng bền vững không chỉ dừng lại ở xây dựng hạ tầng hay thu hút đầu tư, mà còn là quá trình lựa chọn ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển xanh và tuần hoàn. Tỉnh Sơn La ưu tiên các ngành công nghiệp ít phát thải, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai quy hoạch và giám sát tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững.

Với cách tiếp cận bài bản và tầm nhìn chiến lược, Sơn La đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp xanh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững.

Quốc Tuấn

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1