Kết quả đánh giá chỉ số PCI của tỉnh Sơn La năm 2024
16/05/2025
(sonla.gov.vn) Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) - Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Biểu đồ đánh giá 10 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI năm 2023 và 2024 của tỉnh Sơn La.
Báo cáo PCI 2024 là kết quả nghiên cứu thường niên do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các đối tác tư nhân, nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Chỉ số PCI được xây dựng để đánh giá mức độ thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chất lượng quản trị kinh tế và hiệu quả của các nỗ lực cải cách hành chính tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo cáo PCI là tập hợp tiếng nói của các nhà đầu tư tại Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế tại địa phương họ đầu tư cũng như trên phạm vi toàn quốc tới cơ quan chính quyền các cấp.
Năm 2024, báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm - ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, Chỉ số PCI gốc - chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi - đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Sơn La, năm 2024 kết quả đánh giá các chỉ số thành phần của Chỉ số PCI theo thang điểm 10 đạt được như sau: Chỉ số gia nhập thị trường đạt 8,25 điểm; tiếp cận đất đai đạt 5,93 điểm; tính minh bạch đạt 7,10 điểm; chi phí thời gian đạt 6,71 điểm; chi phí không chính thức đạt 6,27 điểm; cạnh tranh bình đẳng đạt 6,10 điểm; tính năng động đạt 5,29 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,01 điểm; đào tạo lao động đạt 6,43 điểm; thiết chế pháp lý đạt 7,91 điểm.
Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để cải thiện chỉ số PCI, PAPI, PGI. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện trên tinh thần tập trung nâng cao chỉ số PCI gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Lê Hồng