Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh
(sonla.gov.vn) Để tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3407/UBND-KT ngày 04 tháng 8 năm 2024 về Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, kiểm tra thường xuyên các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, nhất là tại các lưu vực sông, hồ, khu vực lưu chứa, chôn lấp chất thải, khu vực khai thác tài nguyên, khoáng sản để kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố phát tán chất thải ra môi trường; phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngăn chặn nguy cơ sự cố môi trường; cảnh báo người dân trong khu vực về nguy cơ sự cố, ô nhiễm môi trường. Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo về các hiện tượng thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trước, trong và sau mỗi đợt bão, mưa lũ; không để xảy ra sự cố môi trường tại các đơn vị, địa phương, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định; không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường; tiến hành làm vệ sinh môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường ngay sau khi nước rút đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh. Chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Ban Quản lý các chợ… thực hiện tốt hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn; chủ động nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân tại địa phương sau mưa bão, lũ lụt. Hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan thực hiện các phương án thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh đối với xác động vật chết trên địa bàn, tập trung vào các khu vực có cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chợ, khu dân cư tập trung,... Hướng dẫn triển khai các biện pháp thu gom rác thải, bùn đất đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm như: các bãi chôn lấp rác thải, các kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, khu vực bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã, khu dân cư tập trung,… Tuyên truyền cho người dân về các biện pháp đảm bảo vệ sinh, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, áp dụng các biện pháp y tế để khử trùng nguồn nước đảm bảo sinh hoạt của người dân, phun hóa chất diệt trùng, tẩy uế; khơi thông cống rãnh, nước tù đọng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm,…

anh tin bai

Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp kịp thời xử lý, giải quyết sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau mỗi đợt bão, mưa lũ; đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, sự cố chất thải nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 7 Điều 102 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Sở Y tế tập chung chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật liên quan khác; chủ động ứng phó, ngăn chặn, xử lý kịp thời sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ; dự phòng hóa chất xử lý nước sinh hoạt và hướng dẫn các địa phương xử lý nước để sử dụng cho sinh hoạt, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân vùng lũ.

Sở Công thương phối hợp với các Sở, ban, ngành các đơn vị liên quan và UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra, rà soát hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện có nguy cơ sạt lở hoặc vỡ đập do mưa lớn, lũ lụt.... Trên cơ sở đó đề nghị các Chủ đầu tư công trình thủy điện chủ động thực hiện cải tạo, gia cố và xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra với phương châm "4 tại chỗ".

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác công trình thủy lợi Sơn La và các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, rà soát, tiến hành gia cố bờ hồ, đập chứa, các công trình thủy lợi, các khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra; hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh. Các Sở, ngành liên quan và các Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tại địa bàn được phân công phụ trách để kịp thời chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo quy định. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn: Chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết, khi có sự cố môi trường xảy ra, chủ động, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất, chất thải nguy hại... phải chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực trên tại các cơ sở để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lốc, sét và gió giật mạnh gây ra; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra khi trời mưa.

Quốc Tuấn

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1