Di tích Nhà tù Sơn La - Nơi giáo dục truyền thống cách mạng
Di tích Nhà tù Sơn La là một di tích cách mạng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được xếp hạng Quốc gia đợt đầu tiên năm 1962 và năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, trở thành điểm thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước, đặc biệt là trường học cách mạng cho thế hệ con em các dân tộc Sơn La.

Nhà tù Sơn La do Thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu để giam cầm tù thường phạm.

Ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam ngày càng dâng cao. Thực dân Pháp đã mở rộng nhà tù Sơn La thêm 1.500m2 vào năm 1930 và 1.700m2 vào năm 1940.

Các chiến sỹ mới nhập ngũ của Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 754, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La tới thăm nhà tù Sơn La.

Trong 15 năm từ 1930 đến 1945, hàng nghìn người yêu nước Việt Nam đã bị giam cầm tại nơi đây. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng chính tại nơi đây, hơn bao giờ hết khí tiết của những người chiến sỹ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam những chiến sỹ cộng sản như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và bao đồng chí trung kiên khác.Nhưng vượt lên trên gôm cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người Cộng sản Việt Nam ở đây đã biến Nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những bức tường đá lạnh lẽo của Nhà tù đế quốc thành những viên gạch hồng ấm tình đồng chí của những bạn tù, biến bóng đêm đen tối của nhà tù đế quốc thành những tia sáng cách mạng tỏa ra khắp vùng núi rừng Tây Bắc. Chính vì vậy, Nhà tù Sơn La đã trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, đã đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng, cho dân tộc, đội ngũ những người Cộng sản kiên cường lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập cho dân tộc.

Năm 1952, khi thực dân Pháp rút khỏi Sơn La, đã ném bom nhằm xóa đi dấu vết tội ác của chúng, lần 2 vào năm 1965, đế quốc Mỹ đã đánh phá Thị xã Sơn La phá hủy một phần của nhà tù. Năm 1980, Bảo tàng Sơn La tiến hành phục chế lại lần thứ nhất: san lấp hố bom, xây dựng lại một số đoạn tường rào bao quanh; lần thứ 2, vào năm 1994, phục chế lại 2 tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại hầm ngầm, xây dựng các bức tường của các phòng giam theo dấu vết của các nền móng cũ. Năm 1994, Bảo tàng Sơn La đưa ra ý định phục chế lại toàn bộ khu di tích lại như nguyên dạng ban đầu, nhưng không sưu tầm được đầy đủ hồ sơ, nên không đủ cơ sở khoa học để khôi phục lại toàn bộ mà chỉ xây các bức tường lên cao một chút để khách tham quan có thể hình dung được cấu trúc của khu nhà tù Sơn La.

Trong 1007 lượt tù nhân bị giam cầm ở nhà tù Sơn La, hiện nay Bảo tàng Sơn La đã sưu tầm và lưu giữ 250 hồ sơ gốc của tù nhân; danh sách 61 liệt sĩ; danh sách 870 tù nhân, danh sách 180 người đã được rèn luyện, thử thách ở nhà tù Sơn La và sau này giữ chức vụ cao của Đảng và Nhà nước - theo tổng kết của đồng chí Nguyễn Văn Trân, Trưởng ban liên lạc nhà tù Sơn La. Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, nhà tù Sơn La được giải phóng, đã cung cấp cán bộ lãnh đạo Cách mạng Việt Nam cho cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam và trên mọi lĩnh vực: Đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Đào, Hoàng Thao, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu, Nguyễn Cơ Thạch, Đỗ Nhuận…

Nhà tù Sơn La thu hút một lượng lớn du khách tới thăm, đặc biệt là vào các ngày lễ, tết của dân tộc. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2015, khu di tích nhà tù Sơn La đã đón 5.600 lượt khách, trong đó có 3.150 lượt khách ngoại tỉnh, 2.330 lượt khách trong tỉnh và 120 lượt khách quốc tế.

Anh Nguyễn Ngọc Minh là du khách tới thăm khu di tích nhà tù Sơn La xúc động chia sẻ: " đến thăm nhà tù Sơn La tận mắt được nhìn thấy những nhà giam, xà lim ngầm, cảnh sống khổ cực của những người tù nhân năm xưa, tôi càng cảm phục ý chí kiên cường, sức chịu đựng của người tù cộng sản trong chốn lao tù, bản thân tôi nguyện phấn đấu rèn luyện hơn nữa để đem phần sức nhỏ bé của mình góp phần xây dựng đất nước, không phụ công của những lớp người đi trước".

Như Thủy

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1