Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông
(sonla.gov.vn) Thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn xác định việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) là điều kiện để góp phần bảo tồn và phát huy, gìn giữ các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới có diện tích hơn 14.000 km2, dân số hơn 1,4 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 83,7% dân số toàn tỉnh, có khoảng 274 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Sự nghiệp giáo dục đào tạo tỉnh Sơn La được chú trọng quan tâm, không ngừng củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp theo hướng kiên cố, đảm bảo các điều kiện thiết yếu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.
Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông.
Nhiệm vụ về giáo dục dân tộc luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng, quan tâm, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Sở, UBND, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố (nay là xã, phường) triển khai, thực hiện hiệu quả: Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người; Nghị quyết 61/2023/NĐ-HĐND ngày 20/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ giáo viên Tiểu học dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1, 2, 3 thuộc xã khu vực III và các bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, khu vực I trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025. Các văn bản này đã tạo thêm động lực cho nhà giáo và học sinh vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đặc biệt hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống.
Tỉnh Sơn La triển khai dạy học tiếng DTTS (tiếng Thái, tiếng Mông) trong các cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 trong đó: tiếng Thái được triển khai dạy trên địa bàn các huyện Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La. Tiếng Mông được triển khai dạy trên địa bàn thị xã Mộc Châu. Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục khảo sát nhu cầu học tập của học sinh, cơ sở vật chất, sách giáo khoa tài liệu giảng dạy tiếng Thái, Mông, chuẩn bị bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếng Thái và tiếng Mông theo phân cấp về thẩm quyền quy định của Luật Giáo dục. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng DTTS.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bố trí giáo viên thực hiện nhiệm vụ dạy tiếng Thái và tiếng Mông tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Thái và tiếng Mông về phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về quản lý dạy học tiếng Thái và tiếng Mông giai đoạn 2026 - 2030 theo chương trình đào tạo tại Quyết định 425/QĐ-UBND ngày 12/3/2022 của UBND tỉnh Sơn La về phê duyệt Chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái, tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, công chức của tỉnh Sơn La. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái, tiếng Mông đạt trình độ theo quy định; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo các phương thức phù hợp (văn bằng hai, cử tuyển, bồi dưỡng cấp chứng chỉ…).
Việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thông qua đó, giúp học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc mình mà còn giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, học tập và hội nhập; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng một cộng đồng đa dạng, phong phú và phát triển bền vững.
Như Thủy