Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống mua bán người
(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống mua bán người; phổ biến kiến thức pháp luật trong công tác phòng, chống mua bán người và công tác tuyên truyền chế độ, chính sách hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về, lồng ghép các chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cho người dân.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm có hiệu quả Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 48/CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới". Các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác phòng, chống mua bán người vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

anh tin bai

Công tác tuyên truyền được lồng ghép với nhiều nội dung đa dạng.

Quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực nghiên cứu để vận dụng vào thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán nói riêng. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Công tác tuyên truyền được tổ chức với các nội dung đa dạng như: Phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người tại các buổi sinh hoạt chuyên môn, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng cho các tuyên truyền viên, hội viên, phụ nữ. Các cấp cơ sở chủ động, tích cực, sâu sát cơ sở, bám sát địa bàn, tổ chức truyền thông trực tiếp tại thôn, bản và phát huy vai trò người có uy tín cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Trong đó, tập trung truyền thông tới những đối tượng nguy cơ cao như: Người nghiện chích ma tuý, người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV/AIDS, quan hệ tình dục đồng giới nam, thành viên gia đình người nhiễm HIV, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhóm người di biến động…

Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người đến công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị và đối tượng phục vụ của ngành y tế, đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người tại các đơn vị. Hàng năm công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm các công tác liên quan đến phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các cơ quan, đơn vị phối hợp cùng trong các buổi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ của ngành.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã phối hợp với các địa phương tổ chức các Hội nghị truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Qua đó, giúp cán bộ và người dân nhận diện thủ đoạn của tội phạm, xây dựng kỹ năng xử lý, thoát ra khỏi tình huống khi trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Hội thảo và hoạt động truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động cho các lực lượng chức năng và Nhân dân khu vực biên giới. Theo kết quả phối hợp, rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Sơn La có 35 trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về, nạn nhân đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với tổ chức Rồng Xanh và các lực lượng chức năng giải cứu, hỗ trợ đưa trở về và bàn giao cho gia đình quản lý theo nguyện vọng của nạn nhân. Các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc việc phối hợp xác minh, xác định nạn nhân và triển khai các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng bền vững cho nạn nhân.

Công tác thanh tra, kiểm tra được cơ quan và các đơn vị thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Từ 2021 - 2025, đã tổ chức 11 đợt kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống mua bán người tại các huyện: Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Phù Yên, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Sông Mã. Qua công tác kiểm tra đánh giá khách quan tình hình triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại địa phương, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người; đồng thời tiếp thu, nghiên cứu, phối hợp đề xuất các giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp kiểm tra liên ngành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán Karaoke. Cùng với công tác kiểm tra đã tuyên truyền tư vấn, phối hợp kiến thức pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh cho chủ cơ sở kinh doanh, người đại diện cho cơ sở kinh doanh và nhân viên của các cơ sở kinh doanh về các nội dung quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, lĩnh vực lao động để phòng chống mua bán người.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1