(sonla.gov.vn) UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để kịp thời ứng phó với thiệt hại do mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng, hư hỏng nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 7 đến nay.
Sơn La công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Do ảnh hưởng của các đợt mưa, lũ kéo dài trong khoảng nửa đầu tháng 7 đã gây thiệt hại đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm ách tắc giao thông một số vị trí trên các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Theo Sở Xây dựng Sơn La, mưa lớn liên tiếp trong nhiều ngày đã gây sạt lở taluy dương, taluy âm; lấp rãnh dọc, trồi lún nền mặt đường; xuất hiện cung trượt lớn tại nhiều điểm, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ách tắc cục bộ giao thông một số tuyến và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh tại hơn 1.000 vị trí trên 7 tuyến quốc lộ, với khối lượng sạt sụt hơn 33.000m³ đất đá. Hệ thống đường tỉnh ghi nhận thiệt hại tại 944 vị trí trên 16 tuyến, khối lượng sạt lở khoảng 60.000m³. Ngoài ra, các tuyến giao thông nông thôn cũng bị ảnh hưởng với trên 24.000m³ đất đá sạt xuống nền mặt đường. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh ước khoảng gần 25 tỷ đồng.
Trước tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ngành và địa phương khẩn trương áp dụng biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Các đơn vị cần xây dựng phương án xử lý kịp thời các tình huống thiên tai; duy trì cảnh báo, lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện.
Chủ động ứng phó với thiên tai
Đối với chính quyền địa phương tăng cường cập nhật và truyền thông thông tin cảnh báo mưa dông, mưa lớn, lũ quét, sạt lở … từ cơ quan khí tượng trên loa phát thanh, nhóm Zalo tới Nhân dân. Chủ động kiểm tra, rà soát những vùng trũng, có nguy cơ ảnh hưởng để sẵn sàng phương án ứng phó.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa, thu hoạch sớm đối với những loại cây trồng đã tới thời kỳ có thể thu hoạch. Đảm bảo chủ động phương án “4 tại chỗ” đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận.
Các đơn vị chức năng cần bố trí sẵn sàng máy móc, thiết bị, vật tư tại các điểm có nguy cơ cao để kịp thời khắc phục; khơi thông cống, rãnh, xử lý các điểm ngập úng và hư hỏng nền mặt đường.
Công tác thống kê thiệt hại, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp và tham mưu xây dựng công trình khẩn cấp cũng đang được đẩy nhanh nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ.
Đối với người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin thời tiết, cảnh báo mưa lũ. Hạn chế làm việc ngoài trời khi có cảnh báo mưa dông, không đi qua ngầm, đập tràn. Không lội suối, bắt cá, vớt củi khi có mưa lũ. Phối hợp với chính quyền địa phương khi được huy động, đặc biệt trong sơ tán, cứu hộ và khắc phục hậu quả.
Nguyễn Hạnh