Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm 2023 tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước
Trong quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng bình quân trên địa bàn tỉnh tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình giá cả hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ tháng 3/2023 có xu hướng giảm nhẹ, chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có nguồn cung trên thị trường dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tương đối ổn định; giá xăng dầu giảm do quyết định của liên bộ: Công thương - Tài chính điều chỉnh giá trong tháng; chỉ số giá điện sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Tính chung chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,25% so với tháng trước, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2022.
So với tháng trước, CPI tháng 3 giảm 0,25% (khu vực thành thị giảm 0,17%; khu vực nông thôn giảm 0,28%), trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 02 nhóm hàng tăng giá, 04 nhóm hàng giảm giá và 05 nhóm hàng có giá ổn định, cụ thể: Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,33% do thời tiết giao mùa, một số bệnh về đường hô hấp, huyết áp gia tăng, đặc biệt là các bệnh về cúm,... khiến giá của một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng so với tháng trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có chỉ số giá tăng 0,08% do nhu cầu sử dụng hoa tươi cho ngày lễ Quốc tế Phụ nữ ngày 08/3 tăng. Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giá giảm mạnh nhất 0,68%; nhóm giao thông có mức giá giảm 0,26%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức giá giảm 0,02%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt vật liệu xây dựng có mức giá giảm 0,01%. Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm giáo dục; nhóm bưu chính viễn thông.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,92%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 08 nhóm hàng tăng giá, 02 nhóm hàng giảm giá và 01 nhóm hàng có giá ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,53%. Trong 11 nhóm hàng chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ lần lượt là: Nhóm giáo dục có chỉ số giá tăng cao nhất với 41,57%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,01%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,57%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,74%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,66%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,42%; nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,42%; hai nhóm còn lại tăng 0,06% - 0,44%. Nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 2,42%. Nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá ổn định.
Một số nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI: Giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 41,57% do điều chỉnh học phí ở tất cả các cấp học đây là lần điều chỉnh học phí đầu tiên từ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức học phí thu theo Nghị quyết số 39/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,01% so với cùng kỳ do tình hình kinh tế, xã hội phát triển ổn định các nhà hàng, quán ăn mở cửa phục vụ đều đặn, các sự kiện lễ hội, cưới hỏi không bị gián đoạn bởi dịch bệnh khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng lên. Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch ăn uống, vui chơi, giải trí phục hồi và phát triển.
Như Thuỷ