(sonla.gov.vn) Với mục tiêu phát triển cây cà phê theo hướng bền vững, tỉnh Sơn La không chỉ tập trung vào quy hoạch vùng trồng, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến mà còn đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý giống cây trồng. Đây được xem là một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho cây cà phê, cây trồng chủ lực và sinh kế của hàng chục nghìn hộ nông dân trong tỉnh.
Cà phê Sơn La: Tiềm năng lớn nhưng nhiều thách thức
Cà phê Arabica được đưa vào trồng ở Sơn La từ những năm 1990. Trải qua hơn ba thập kỷ phát triển, đến nay toàn tỉnh có khoảng 24.300 ha cà phê, sản lượng năm 2025 ước đạt 37.724 tấn. Tuy nhiên, cùng với thời gian, một phần không nhỏ diện tích đã bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất sụt giảm rõ rệt, đòi hỏi phải tái canh hoặc trồng mới bằng giống cây có năng suất và chất lượng tốt hơn.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chủ động phát triển và cung ứng giống cây cà phê chất lượng cao, thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù của vùng Tây Bắc.
Chủ động sản xuất giống: Nền tảng cho phát triển bền vững
Nhằm đáp ứng nhu cầu tái canh và mở rộng diện tích cà phê, thời gian qua, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống trong tỉnh đã chủ động khảo nghiệm, nhân giống và chuyển giao nhiều giống mới có tiềm năng vượt trội. Một trong những giống được đánh giá cao là THA1, do Trung tâm Giống Eakmart nghiên cứu và phát triển. Giống này phù hợp với điều kiện vùng Tây Bắc, cho năng suất và chất lượng ổn định, khả năng kháng bệnh tốt.
Cây giống thưa hàng, được che nắng, chăm sóc kỹ lưỡng trước khi đóng gói xuất vườn.
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, cây giống được ươm trong thời gian từ 6-7 tháng, đạt tiêu chuẩn xuất vườn khi cao tối thiểu 15 cm, thân thẳng, không sâu bệnh, đường kính gốc đạt 0,3 mm trở lên. Trước khi trồng đại trà, cây giống được tập làm quen với điều kiện ngoài trời để tránh hiện tượng sốc sinh trưởng - một khâu quan trọng nhằm bảo đảm tỷ lệ sống và phát triển ổn định khi trồng.
Hệ thống vườn đầu dòng - bảo đảm chất lượng từ gốc
Tỉnh Sơn La đang từng bước xây dựng hệ thống vườn giống bài bản để làm chủ hoàn toàn nguồn giống cây cà phê. Hiện nay, toàn tỉnh có: 01 vườn cây đầu dòng giống cà phê chè TN2, khai thác khoảng 10.500 chồi/năm; 02 vườn giống cà phê Catimor SLa, cung cấp khoảng 4.000 kg hạt giống/năm; 5.000 cây đầu dòng Catimor SLa đã được công nhận, cho sản lượng khoảng 7.650 kg hạt giống/năm.
Cây giống cà phê THA1 tại HTX Bích Thao.
Đáng chú ý, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La còn phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) xây dựng vườn giống đầu dòng quy mô 2 ha tại phường Chiềng Cơi, tỉnh Sơn La. Vườn giống này bao gồm các giống cà phê được ưa chuộng như TN1 và TN2, nhờ ưu điểm nổi bật về năng suất và chất lượng hạt.
Đây là mô hình hợp tác công - tư hiệu quả, góp phần hình thành nguồn cung giống chất lượng, đồng bộ, từng bước thay thế các giống thoái hóa, kém hiệu quả đang tồn tại ở nhiều vùng trồng cà phê hiện nay.
Quản lý giống - mấu chốt để nâng tầm thương hiệu cà phê Sơn La
Không chỉ dừng lại ở cung ứng cây giống, tỉnh Sơn La còn triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý giống từ khâu khảo nghiệm, đánh giá, kiểm soát chất lượng giống đầu vào cho đến hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng giống đúng quy trình kỹ thuật. Việc kiểm soát chặt chẽ nguồn giống giúp giảm rủi ro dịch bệnh, nâng cao năng suất ổn định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng canh tác hữu cơ, cà phê đặc sản.
Cùng với quy hoạch vùng trồng, nâng cao kỹ thuật sản xuất, đầu tư khâu sơ chế, chế biến và kết nối thị trường, công tác quản lý giống được xác định là "mắt xích nền tảng" trong chuỗi giá trị cà phê Sơn La. Đây cũng là yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường cho sản phẩm cà phê mang thương hiệu địa phương. Từ định hướng đúng đắn và những bước đi bài bản trong phát triển giống cây cà phê, Sơn La đang dần khẳng định vị thế là vùng cà phê Arabica lớn nhất miền Bắc. Việc quản lý giống hiệu quả không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa cà phê Sơn La vươn xa hơn trên bản đồ nông sản Việt Nam và quốc tế.
Quốc Tuấn