Chủ động sản xuất, phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong tháng 6/2025
(sonla.gov.vn) Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất và sản lượng thu hoạch của nhiều loại cây trồng tăng mạnh, nhất là một số cây ăn quả chủ lực của tỉnh như xoài, nhãn, mận.
Diện tích lúa vụ Đông Xuân đạt 13.191 ha.
Trong 6 tháng đầu năm diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2025 ước đạt 43.379 ha, trong đó: Lúa 13.191 ha, tăng 0,91% so với năm trước; ngô và cây lương thực có hạt khác 3.091 ha, tăng 11,95%; cây lấy củ có chất bột 97 ha, tăng 12,79%; cây mía 9.961 ha, giảm 1,73%; cây lấy sợi 212 ha, giảm 28,86% (giảm 86 ha); cây có hạt chứa dầu 724 ha, giảm 3,6%, cây rau, đậu và hoa 6.719 ha, tăng 3,46% và cây hằng năm khác 9.384 ha chiếm 21,63%, so với cùng kỳ, tăng 3,4% (tăng 309 ha). Sản lượng thu hoạch vụ đông xuân: Sản lượng ngô ước đạt 12.882 tấn, tăng 16,63% so với năm trước; khoai lang 413 tấn, giảm 1,2%; đậu tương 144 tấn, tăng 21,52%; lạc 474 tấn, giảm 6,88%; rau các loại 99.003 tấn, tăng 5,08%.
Sản xuất cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây chủ lực ghi nhận mức tăng khá, phản ánh hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường đầu tư thâm canh và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Công tác cấp mới, duy trì các mã số vùng trồng tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm triển khai, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ chế biến tại các nhà máy trong tỉnh cũng như phục vụ tiêu thụ theo yêu cầu của từng thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các loại nông sản chủ lực như mận hậu, xoài, chuối, nhãn… được đẩy mạnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Ước tính 6 tháng đầu năm 2025 tổng diện tích cây lâu năm hiện có 109.938 ha, tăng 4,41% (tăng 4.639 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích cây ăn quả 73.829 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,28% (tăng 1.647 ha); cây công nghiệp lâu năm ước đạt 38.848 ha, tăng 9,38%. Diện tích tăng chủ yếu ở nhóm cây công nghiệp (cà phê) và cây ăn quả là những cây có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao và được địa phương xác định là cây trồng chủ lực gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Diện tích một số cây chủ yếu: Diện tích xoài hiện có ước đạt 19.615 ha, tăng 0,27% (tăng 52 ha) so với cùng kỳ năm trước; mận diện tích 13.450 ha, tăng 0,64%; chuối 5.920 ha, tăng 0,89%; thanh long 324 ha, tăng 8,72%; bơ 1.196 ha, tăng 2,66%; nhãn 19.822 ha, tăng 0,14%; cao su 5.216 ha, giảm 0,11%; cà phê 23.720 ha, tăng 14,14%; chè 5.912 ha, tăng 0,94%... Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm một số cây chủ yếu: Sản lượng Xoài ước đạt 79.000 tấn, tăng 25,77% so với cùng kỳ năm trước; chuối 31.560 tấn, tăng 8,83%; chanh leo 1.300 tấn, tăng 0,93%; cam 2.600 tấn, tăng 3,59%; bưởi 3.700 6 tấn, tăng 5,71%; mận 97.600 tấn, tăng 30,65%; nhãn 9.200 tấn, tăng 58,62%; cao su 1.046 tấn, tăng 34,10%; chè 16.750 tấn, tăng 2,60%. Sản lượng cây ăn quả tăng mạnh do thời tiết thuận lợi, đặc biệt trong giai đoạn ra hoa và đậu quả, dẫn đến tỷ lệ đậu quả cao, bên cạnh đó diện tích cho sản phẩm một số cây trồng tăng so với năm trước, người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục được duy trì ổn định, công tác chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng, công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên được quan tâm thực hiện. Sản xuất lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2025 tập trung chủ yếu vào chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh đã trồng mới được 138,7 ha rừng, tăng 82,98% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 84 nghìn cây.
Nguyễn Hạnh