Sơn La chủ động bảo vệ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa lũ
(sonla.gov.vn) Trước diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa lũ, các địa phương có diện tích mặt nước lớn tại tỉnh Sơn La, đặc biệt là khu vực lòng hồ thủy điện sông Đà đang đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người nuôi trồng thủy sản, góp phần ổn định sinh kế và phát triển nghề nuôi cá theo hướng bền vững.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ, thời tiết diễn biến thất thường, mực nước trên các hồ chứa, đặc biệt là vùng lòng hồ sông Đà biến động nhanh, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng và cá ao hồ.

Kích hoạt các giải pháp phòng, chống thiên tai trong nuôi trồng thủy sản

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã (HTX), hộ dân nuôi cá thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, không ở lại chòi canh lồng cá khi trời mưa to, gió lớn; tuyệt đối không khai thác, đánh bắt thủy sản trong điều kiện mưa lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

anh tin bai
Người dân chủ động kiểm tra lại dây neo, phao nổi và bạt che quanh lồng cá để xử lý ngay những vị trí yếu dễ bị nước chảy
hay vật thể trôi va đập phá hỏng.

Đối với hình thức nuôi cá lồng trên sông, hồ, các địa phương hướng dẫn người dân không đặt lồng tại khu vực đầu nguồn hoặc vùng có dòng chảy xiết. Đồng thời, khuyến cáo thu hoạch sớm các lồng cá đã đạt kích cỡ thương phẩm trước khi mưa lũ xảy ra. Hệ thống lồng bè được kiểm tra, gia cố chắc chắn; dây neo, phao nổi được thay thế nếu hư hỏng. Các hộ nuôi còn được hướng dẫn sử dụng bạt chắn đầu dòng chảy, hạn chế tác động trực tiếp từ nước lũ, ngăn các vật thể trôi nổi gây vỡ, rách lồng.

Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn cho cá, treo túi vôi ở đầu nguồn nước, điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp và lựa chọn giống cá theo mùa vụ cũng được triển khai rộng rãi. Đây là những biện pháp kỹ thuật quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng cho cá, hạn chế dịch bệnh trong điều kiện môi trường biến động.

Củng cố hệ thống ao hồ, giảm thiểu rủi ro tại vùng trũng thấp

Đối với các vùng nuôi cá ao hồ - chiếm tỷ trọng lớn tại khu vực Mai Sơn, Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Bắc Yên - việc củng cố hạ tầng nuôi trồng cũng đang được khẩn trương thực hiện. Cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân kiểm tra, tu sửa bờ ao, bờ cống, hệ thống xả tràn, chuẩn bị lưới chắn và cọc tre dựng sẵn để phòng khi nước tràn gây vỡ bờ, thất thoát cá.

Đồng thời, các ao nuôi được khuyến cáo khơi thông dòng chảy, xử lý nguồn nước bằng cách rắc vôi bột để ổn định pH, giảm độ đục do nước mưa cuốn đất bùn vào ao. Đặc biệt, tại những vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhiều hộ dân đã chủ động thu hoạch sớm đàn cá trước khi mưa lớn kéo dài, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Cùng với đó, điều chỉnh khẩu phần thức ăn hợp lý khi thời tiết thay đổi giúp hạn chế ô nhiễm nước ao, tránh lãng phí và đảm bảo môi trường nuôi an toàn.

Bảo vệ sản xuất - Ổn định sinh kế cho người dân vùng lòng hồ

Toàn tỉnh Sơn La hiện có hàng nghìn lồng cá nuôi trên các hồ chứa lớn, cùng với hàng trăm héc-ta diện tích ao nuôi thủy sản phân bố rải rác tại các địa phương. Trong đó, khu vực lòng hồ sông Đà tại các khu vực Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Phù Yên là vùng nuôi trọng điểm, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh.

anh tin bai
Chủ động bảo vệ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa lũ.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ ngành chức năng và chính quyền các cấp, cùng với ý thức chủ động phòng chống thiên tai ngày càng nâng cao của người dân, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Sơn La bước đầu đã giảm thiểu được thiệt hại trong mùa mưa lũ những năm gần đây. Người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Hướng tới mục tiêu phát triển thủy sản an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, việc chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong nuôi trồng thủy sản không chỉ giúp bảo vệ thành quả sản xuất, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho người dân, giữ vững sinh kế và an ninh thực phẩm tại chỗ.

Ngành thủy sản Sơn La đang từng bước hướng tới mục tiêu phát triển thủy sản xanh, an toàn, thích ứng với điều kiện tự nhiên đặc thù, góp phần đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, giá trị cao và bền vững.

Quốc Tuấn

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1