Giếng "mắt rồng" ở bản Mòng
Bản Mòng thuộc xã Hua La, TP Sơn La, tỉnh Sơn La từ bao đời nay có được một "báu vật" trời cho - giếng "mắt rồng" với một bên là nguồn nước nóng và một bên là nguồn nước lạnh. Bản Mòng còn lưu truyền bao câu chuyện huyền bí từ thuở khai thiên lập địa.

Đất 'đầu rồng'

Ông Lò Văn Đôi, Chủ tịch UBND xã Hua La dẫn chúng tôi vào bản Mòng. Ông bảo, bản Mòng có từ lâu đời rồi, trước đây là một bản nhỏ lại nghèo nàn heo hút nên hầu như không có ai qua lại. Bản Mòng còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang tính chất thần bí liêu trai chí dị nhưng vì không có sách nào ghi chép lại nên có nhiều dị bản trong dân gian. Người ta cho rằng, bản Mòng là phần đầu của con rồng mà minh chứng rõ nét nhất là hai cái giếng nằm cạnh nhau, một bên nóng và một bên lạnh. Hai cái giếng này hiện ở giữa bản Mòng chứ không bị vùi lấp đi.

Vì đó là vùng đất thiêng nên từ xưa cũng tồn tại những chuyện lạ đời. Người ta nói rằng, ma quỷ không bao giờ dám bén mảng đến bản Mòng vì sợ rồng bắt. Chỉ những người có trái tim trong sạch, có tâm hồn thanh khiết mới tồn tại được ở nơi này. 'Mấy chục năm về trước, bản Mòng còn là một khu rừng thâm u với nhiều thú dữ, người ở rất thưa thớt. Thậm chí đó còn là khu rừng nhiều chướng khí nên người ta quan niệm đó là vùng đất kén người, ai hợp mệnh hợp tuổi mới có thể ở được', ông Lò Văn Đôi cho hay.

Biết được bản Mòng phát ra nguồn năng lượng lạ, là long mạch của vùng Tây Bắc hùng vĩ nên đã nhiều lần, thầy địa lý nổi tiếng của Trung Quốc là Cao Biền đã cưỡi mây đạp gió tìm đầu rồng nhằm triệt hạ long mạch nhưng không thành. Các cụ cao niên ở xã Hua La cho rằng, do bản Mòng là phần đầu của rồng thiêng nên dù thầy địa lý có cao tay đến đâu cũng không thể trấn yểm.


Giếng nóng đang được các hộ kinh doanh tận dụng.
Giếng nóng đang được các hộ kinh doanh tận dụng.

Giếng nóng - lạnh

Hai mắt của con rồng thiêng được người bản Mòng quan niệm chính là hai cái giếng ở giữa bản làng. Một bên là giếng nóng và một bên là giếng lạnh. Hai cái giếng kỳ lạ được cho là âm - dương này cách nhau chỉ khoảng hơn chục mét, nằm sát bên mé của nhà văn hóa bản Mòng. Điều kỳ lạ từ hai cái giếng này là nguồn nước nóng - lạnh hoàn toàn khác nhau. Nếu giếng nóng tăng nhiệt độ bao nhiêu thì giếng lạnh lại giảm bấy nhiêu.

Ông Lò Văn Đôi cho biết: 'Giếng nóng - lạnh là tài sản quý báu nhất mà người dân địa phương có được. Chúng tôi không thần thánh hóa hai cái giếng đó nhưng sự linh thiêng của giếng âm dương đã đi vào tiềm thức của người dân từ lâu đời'.

Ông Đôi cho biết thêm, nhiều đoàn khách lạ cũng từng tìm đến giếng âm - dương ở bản Mòng để tìm hiểu. Thậm chí, một số đoàn chuyên gia khoa học cũng đã đến đo nhiệt độ nước, nghiên cứu địa hình thổ nhưỡng nhưng chưa có kết quả gì. Được biết, trước đây khu nhà văn hóa bản Mòng chưa được xây dựng thì đó là một đầm lầy rất bí hiểm. Người đứng trên mặt đất có thể bập bênh giống như đứng trên túi khí. Vì cạnh đó là giếng 'mắt rồng' nên người dân bản địa cho rằng, đó là 'thẳm luông', tức hang rồng ở. Sau này, người ta quyết định san lấp mặt bằng để làm nhà văn hóa bản. Tuy nhiên, việc san lấp không hề đơn giản như những vùng đất khác do bùn lầy đùn lên cao. Thậm chí, bùn ở 'thẳm luông' lúc nóng lúc lạnh rất bất ổn.

Trước kia, giếng nóng còn có hiện tượng bốc khói nghi ngút mỗi khi thời tiết giảm nhiệt. Nhưng bây giờ hiện tượng ấy không còn tái diễn. Thay vào đó, người bản Mòng đã tận dụng cả giếng nóng và giếng lạnh để phục vụ cuộc sống sinh hoạt của con người.

Giếng lạnh dùng làm nước sinh hoạt cho người bản địa.
Giếng lạnh dùng làm nước sinh hoạt cho người bản địa.

Kiếm tiền từ 'mắt rồng'

Ông Lò Văn Đôi, Chủ tịch UBND xã Hua La cho hay: 'Hiện tại, bản Mòng có 17 hộ tham gia kinh doanh tắm nước suối khoáng, với tổng số 200 phòng. Nhiều hộ trong số đó có kết hợp tắm thuốc dân tộc để thu hút khách du lịch. Nước suối khoáng họ lấy từ chính giếng nóng ở giữa bản'.

Chị Tòng Thị Thủy, một trong các chủ hộ kinh doanh tắm khoáng ở bản Mòng cho biết: 'Từ năm 1997, với nhu cầu của khách du lịch nên chúng tôi quyết định mở dịch vụ, nguồn nước có sẵn lấy từ giếng 'mắt rồng' nên khá thuận tiện'.

'Tận mục sở thị' ở khu giếng âm - dương, chúng tôi được biết khu giếng lạnh đã được xây thành khu riêng biệt để người địa phương tắm rửa giặt giũ và dùng nước đó để nấu ăn hằng ngày. Khu giếng nóng được lắp đặt các máy bơm công suất lớn nhỏ đủ cả để bơm về khu kinh doanh tắm khoáng phục vụ khách du lịch.

Nhà báo Tòng Văn Xôm thuộc Đài PT - TH tỉnh Sơn La là người bản địa cũng tham gia mở nhà hàng tắm suối khoáng cho biết: 'Giếng 'mắt rồng' thực sự là tài sản, là nguồn tài nguyên vô giá của người bản Mòng. Nếu biết tận dụng nguồn nước này, địa phương sẽ trở nên giàu có bởi thu hút được khách du lịch từ khắp nơi đổ về'.

Giờ đây, với sự khai thác hợp lý theo quy định của TP Sơn La, khu vực này đã trở thành một điểm đến không chỉ du khách trong nước mà còn thu hút cả du khách nước ngoài. Nhiều người cho rằng cái thú của tắm suối khoáng bản Mòng là vì nhiệt độ nước của dòng suối khoáng nơi đây thay đổi thích hợp theo mùa. Cũng bởi, do cấu trúc địa tầng nơi đây thẩm thấu nước mưa tan hóa cùng dòng khoáng, nên vào mùa hè độ nóng dịu hơn. Mùa đông thì lại khác, nước nóng phù hợp, nghi ngút hơi nước tỏa lên khiến cho người tắm không còn cảm giác của mùa đông lạnh giá.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, điều thú vị nhất khi về đây tắm suối nước nóng chính là vì bản Mòng đã lồng ghép được những nét đẹp văn hóa dân tộc cùng phong cách phục vụ du khách tận tình, đậm chất vùng cao Tây Bắc hay được thưởng thức những điệu múa, lời khắp của các cô gái Thái 'ngực câu, eo ong' với bộ trang phục áo cóm, khăn piêu cùng tiếng xà tích kêu leng keng khi xòe đẹp đến hút hồn...
Đường vào bản Mòng.
Đường vào bản Mòng.
'Giếng âm - dương hay còn gọi là giếng 'mắt rồng' ở bản Mòng tuy chỉ là truyền thuyết từ xa xưa nhưng trong tâm thức bà con dân tộc Thái, đó còn là vùng đất thiêng để sinh sống. Những hủ tục và quan niệm mê tín về giếng nóng - lạnh hầu như không tồn tại, tuy mỗi người nhớ và biết một câu chuyện khác nhau. Bản Mòng đang được lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững, hy vọng sẽ có nhiều người biết đến giếng 'mắt rồng' như một biểu tượng thiêng'.
Ông Lò Văn Đôi (Chủ tịch UBND xã Hua La)

Theo kienthuc.net.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1