Giải đáp về người lái phương tiện

Câu hỏi số 1. Thuyền viên là gì? Loại phương tiện nào phải có thuyền trưởng?

Trả lời: Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.
(Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Các phương tiện phải có thuyền trưởng bao gồm:
- Phương tiện không có động cơ mà trọng tải toàn phần trên 15 tấn;
- Phương tiện có động cơ mà tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc có sức chở trên 12 người.
(Khoản 19 Điều 3 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Câu hỏi số 2. Loại phương tiện nào phải có người lái phương tiện?
Trả lời: Các loại phương tiện sau đây phải có người lái phương tiện:
- Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn;
- Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực hoặc có sức chở đến 12 người.
(Khoản 20 Điều 3 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Câu hỏi số 3: Người lái phương tiện phải có điều kiện gì khi điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở người từ 5 người đến 12 người?
Trả lời: Người lái phương tiện khi điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở người từ 5 người đến 12 người phải có các điều kiện sau đây:
a. Đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam;
b. Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi;
c.Có chứng chỉ lái phương tiện
(Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Câu hỏi số 4: Người lái phương tiện phải có điều kiện gì khi điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người?
Trả lời: Người lái phương tiện khi điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người phải có các điều kiện sau:
Đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, biết bơi phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải đủ 18 tuổi trở lên.
(Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Câu hỏi số 5: Người muốn được cấp chứng chỉ lái phương tiện phải có điều kiện gì? thời gian học?
Trả lời:
1. Điều kiện cấp chứng chỉ lái phương tiện:
- Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc người nước ngoài đang cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam;
- Đủ 18 tuổi trở lên;
- Tốt nghiệp tiểu học trở lên;
- Có đủ sức khoẻ theo quy định, biết bơi;
- Được công nhận học xong chương trình đào tạo người lái phương tiện.
(Điều 7,8 Quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái PT và đảm nhiệm chức danh thuyền viên trên PT thuỷ nội địa ban hành theo quyết định số 36/2004/QĐ-BGTVT).
2. Thời gian học: 13 tuần
- Học lý thuyết; 5,5 tuần
- Thực hành: 6,5 tuần
- Ôn tập, kiểm tra: 1,0 tuần,
(Mục Đ phần I Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái PT thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 37/2004/QĐ-BGTVT).
Câu hỏi số 6. Cơ quan nào tổ chức kiểm tra, cấp, đổi chứng chỉ lái phương tiện, chứng chỉ điều khiển phương tiện nhỏ tốc độ cao? cơ quan nào tổ chức học tập và cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa?
Trả lời:
1. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi, kiểm tra, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn bao gồm:
- Cục Đường sông Việt Nam tổ chức thi, cấp, đổi bằng từ hạng Nhì trở lên trong phạm vi toàn quốc; tổ chức khi, kiểm tra, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn đối với cơ sở đào tạo trực thuộc.
- Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính: tổ chức kiểm tra, cấp, đổi chứng chỉ chuyên môn; tổ chức thi, cấp, đổi bằng thuyền trưởng hạng ba, máy trưởng hạng ba theo uỷ quyền của Bộ Giao thông vận tải.
(Khoản 2 Điều 12 Quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và đảm nhiệm chức danh thuyền viên trên PT thuỷ nội địa ban hành theo quyết định số 36/2004/QĐ-BGTVT)
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đào tạo, cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho người lái phương tiện. (Khoản 3 Điều 35 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Câu hỏi số 7: Điều kiện, nội dung, thời gian học để được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện tốc độ cao loại II?
Trả lời:
1. Điều kiện
- Có chứng chỉ thuỷ thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện thuỷ nội địa;
- Có đủ sức khoẻ theo quy định;
- Được công nhận học xong chương trình đào tạo điều khiển phương tiện tốc độ cao loại II.
2. Nội dung chương trình học:
- Điều động phương tiện thuỷ tốc độ cao:
- An toàn (cứu sinh, cứu hoả, cứu đắm):
- Thực hành và kiểm tra thực hành.
3. Thời gian học: 03 ngày
(Mục B phần III Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái PT thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 37/2004/QĐ-BGTVT).
Câu hỏi số 8. Phạm vi trách nhiệm của người lái phương tiện như thế nào?
Trả lời: Người lái phương tiện có trách nhiệm:
1. Chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
2. Chấp hành kỷ luật lao động, chấp hành lệnh điều động của chủ phương tiện;
3. Quản lý người, phương tiện, tài sản, các giấy tờ có liên quan đến phương tiện do mình lái;
4. Nắm vững tình hình luồng lạch và điều kiện an toàn của cảng, bến nơi phương tiện hoạt động;
5. Kiểm tra phương tiện, các trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện; trước khi khởi hành phải sắp xếp người, hàng hoá đảm bảo phương tiện ổn định, an toàn;
6. Khi phương tiện sửa chữa, phải kiểm tra giám sát, nghiệm thu;
7. Khi phương tiện bị tai nạn phải kịp thời cứu người, phương tiện, hàng hoá và là người cuối cùng rời phương tiện nếu phương tiện bị đắm;
8. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu của các phương tiện khác, phải tham gia cứu nạn nếu việc làm này không gây nguy hiểm đến người, phương tiện do mình lái.
(Điều 12 Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT về phạm vi trách nhiệm thuyền viên, người lái PT và định biên an toàn tối thiểu PT thuỷ nội địa).
Câu hỏi số 9. Trách nhiệm bảo đảm an toàn vận tải của lái phương tiện nhỏ chở hàng hoá?
Trả lời: Người lái phương tiện chở hàng hoá thuộc loại không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực khi điều khiển phương tiện phải có trách nhiệm sau:
- Không được chở hàng quá trọng tải quy định;
- Không xếp hàng hoá che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện, không làm ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện cũng như hoạt động của hệ thống lái, neo và các trang thiết bị an toàn khác;
- Không được xếp hàng hoá vượt kích thước theo chiều ngang, chiều dọc phương tiện và không gây mất ổn định phương tiện.
(Điều 80 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Câu hỏi số 10. Trách nhiệm bảo đảm an toàn của thuyền trưởng, người lái phương tiện khi chở khách ngang sông?
Trả lời: Thuyền trưởng, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông có các trách nhiệm sau đây:
- Phương tiện phải có đủ giấy tờ theo quy định;
- Trước khi khởi hành phải kiểm tra điều kiện an toàn đối với người và phương tiện; có đủ dụng cụ cứu sinh còn hạn sử dụng và bố trí đúng nơi quy định; phổ biến nội quy quan toàn và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho hành khách;
- Hướng dẫn hành khách lên, xuống; sắp xếp hàng hoá, hành lý, các loại xe được phép chở phải gọn gàng; hướng dẫn hành khách ngồi đảm bảo ổn định phương tiện;
- Kiểm tra và yêu cầu hành khách mang theo động vật phải nhốt trong lồng cũi; không để hành khách mang theo súc vật đang bị dịch bệnh lên phương tiện; không chở hàng hoá dễ cháy, nổ, hàng độc hại, động vật lớn chung với hành khách;
- Kiểm tra phương tiện chở không vượt quá dấu mớn nước an toàn, không vượt quá số lượng người được phép chở trước khi cho phương tiện rời bến;
- Khi có giông, bão không được cho phương tiện rời bến; nếu phương tiện đang hành trình phải tìm nơi trú ẩn an toàn.
(Khoản 3 Điều 78, Khoản 1,2 Điều 79 Luật Giao thông ĐTNĐ).
Câu hỏi số 11. Trách nhiệm của người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông hoặc phát hiện người, phương tiện khác bị nạn trên sông trường đường thuỷ nội địa như thế nào?
Trả lời: Thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thuỷ nội địa có các trách nhiệm sau:
- Tìm mọi biện pháp để kịp thời cứu người, phương tiện, tài sản bị nạn;
- Bảo vệ các dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn;
- Báo cho cơ quan công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất và phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan điều tra có thẩm quyền.
(Khoản 1 Điều 7 Luật Giao thông ĐTNĐ)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1