Giải đáp về bến thủy nội địa

Câu hỏi số 1. Bến thuỷ nội địa là gì? có những loại bến nào?

Trả lời: Bến thuỷ nội địa là vị trí độc lập được gia cố để phương tiện neo đậu, xếp, dỡ hàng hoá, đón, trả hành khách.
Bến thuỷ nội địa có các loại sau:
- Phân theo tính chất, có: bến công cộng và bến chuyên dùng.
- Phân theo công dụng, có: bến hàng hoá, bến khách, bến khách ngang sông;
(Điều 13 Luật Giao thông ĐTNĐ và Điều 3 Quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT).
Câu hỏi số 2. Bến khách ngang sông là gì? Điều kiện hoạt động của bến khách ngang sông như thế nào?
Trả lời: Bến khách ngang sông là loại bến thuỷ nội địa chuyên phục vụ vận tải hành khách ngang sông.
Bến ngang sông khi hoạt động phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
1. Bến không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; vị trí bến có địa hình, thuỷ văn ổn định, phương tiện ra vào an toàn thuận lợi;
2. Có cầu cho người, phương tiện giao thông đường bộ lên xuống an toàn, thuận tiện; có trang thiết bị cho phương tiện neo buộc; có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm. Đối với bến khách ngang sông mà phương tiện vận hành hành khách ngang sông được phép chở ô tô thì công trình bến phải áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của bến phà;
3. Lắp đặt báo hiệu đường thuỷ nội địa theo quy định;
4. Có nhà chờ, bảng nội quy, bảng niêm yết giá vé;
5. Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.
(Điều 5 Quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT).
Câu hỏi số 3. Giấy phép mở bến khách ngang sông cấp cho đối tượng nào? Thời hạn giấy phép mở bến khách ngang sông được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Giấy phép mở bến khách bngang sông cấp cho chủ khai thác bến sau khi chủ bến hoàn tất việc gia cố bến bảo đảm an toàn theo quy định và ký kết hợp đồng cho thuê bến với chủ khai thác bến.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép căn cứ theo thời hạn sử dụng đất; đặc điểm địa chất thuỷ văn nơi đặt bến; chất lượng công trình bến và thời hạn hợp đồng thuê bến (nếu là bến thuê) để quy định thời hạn cuả giấy phép hoạt động bến khách ngang sông trên cơ sở đề nghị của chủ khai thác bến.
(Điều 9 Quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ - BGTVT)
Câu hỏi số 4. Bến khách ngang sông chở ô tô muốn được hoạt động cần những điều kiện gì?
Trả lời: Bến khách ngang sông chở ô tô qua sông muốn được hoạt động, ngoài những điều kiện quy định với bến khách ngang sông thông thường thì công trình bến phải áp dụng theo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật bến phà.
(Điều 5 Quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ/ BGTVT)
Câu hỏi số 5. Cơ quan nào cấp giấy phép mở bến hàng hoá, bến hành khách, bến khách ngang sông?
Trả lời:
1.Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đối với các bến hàng hoá, bến hành khách thuộc đường thuỷ nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia.
2. Giám đốc Sở GTVT, Sở Giao thông công chính tổ chức thực hiện:
a. Cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đối với bến hàng hoá, bến hành khách thuộc đường thuỷ nội địa địa phương, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương;
b. Cấp giấy phép hoạt động đối với bến khách ngang sông thuộc địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
3. Trường hợp một tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhiều bến thuỷ nội địa trên cùng một khu đất thuộc quyền sử dụng của chính tổ chức, cá nhân đó, nhưng vừa có bến thuộc đường thuỷ nội địa quốc gia vừa có bến thuộc đường thuỷ nội địa địa phương thì những bến thuộc đường thuỷ nội địa địa phương (trừ bến khách ngang sông) cũng do Cục đương sông Việt Nam công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động.
(Điều 6 quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ - BGTVT)
Câu hỏi số 6. Cơ quan nào cho phép phương tiện ra, vào, hoạt động tại bến hàng hoá, bến hành khách?
Trả lời: Cảng vụ đường thuỷ nội địa hoặc ban quản lý bến là nơi cơ quan cho phép phương tiện ra, vào, hoạt động tại bến hàng hoá, bến hành khách.
(Điều 12 Quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ - BGVT).
Câu hỏi số 7. Thủ tục cấp giấy phép mở bến đối với cụm bến thuỷ nội địa quy định như thế nào?
Trả lời: Đối với những bến có vùng nước liền kề nhau (gọi là cụm bến), các tổ chức cá nhân xin mở bến có thể thoả thuận bằng văn bản cử đại diện làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho cụm bến đó theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 8 của quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa trên cơ sở một đơn xin cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa, một sơ đồ vùng nước và một hệ thống báo hiệu xác định vùng nước chung cho cả cụm bến.
(khoản 3 điều 8 quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT).
Câu hỏi số 8. Trường hợp nào phải cấp lại Giấy phép hoạt động bến?
Trả lời: Bến thuỷ nội địa phải cấp lại giấy phép hoạt động bến trong trường hợp sau:
1. Giấy phép hoạt động bến đã hết thời hạn.
2. Bến cần đầu tư xây dựng bổ sung để nâng cao khả năng thông qua hoặc tiếp nhận được loại phương tiện lớn hơn.
3. Một bến phân chia thành nhiều bến hoặc nhiều bến sáp nhập thành một bến.
4. Bến được chuyển sang cho chủ sở hữu khác.
(Điều 10 quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT).
Câu hỏi số 9. Trường hợp nào bến thuỷ nội địa bị đình chỉ hoạt động có thời hạn?
Trả lời: Bến thuỷ nội địa bị đình chỉ hoạt động có thời hạn khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:
1. Công trình gia cố bến xuống cấp không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định.
2. Chủ khai thác cảng, bến thuỷ nội địa có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(Khoản 2 điều 11 quy chế quản lý cảng, bến thuỷ nội địa ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT).
Câu hỏi số 10. Hành vi, mức phạt của phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực, phương tiện có sức chở đến 12 người vi phạm trật tự, an toàn trong vùng nước bến thuỷ nội địa?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực, phương tiện có sức chở đến 12 người hoạt động trong vùng nước bến thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000đ đến 100.000đ khi có một trong các hành vi vi phạm sau:
- Không để cho người của phương tiện khác đi qua phương tiện của mình:
- Vi phạm nội quy bến, gây mất trật tự tại bến;
- Điều khiển phương tiện ra, vào bến mà không có giây phép ra, vào bến.
- Không thực hiện sự điều động của người có thẩm quyền huy động phương tiện để cứu người, phương tiện bị nạn.
- Tự ý di chuyển phương tiện hoặc neo đậu phương tiện không đúng nơi quy định trong phạm vi vùng nước bến.
(Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 09/2005/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ).
Câu hỏi số 11. Hành vi, mức phạt đối với vi phạm vận chuyển khách ngang sông bằng phương tiện không có động cơ sức chở đến 12 người?
Trả lời: Người lái phương tiện có động cơ sức chở đến 12 người chở khách ngang sông có một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 50.00đ đến 100.000đ.
- Không bố trí chỗ ngồi cho hành khách, để hành khách đứng trên phương tiện hoặc có hành vi khác làm mất an toàn của phương tiện.
- Chở động vật nhỏ mà không nhốt trong lồng, cũi hoặc chở động vật lớn chung với hành khách.
- Xếp người, hành khách, hàng hoá, hành lý, xe đạp, mô tô, xe máy, phương tiện khác làm nghiêng lệch phương tiện hoặc che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.
- Chở chất dễ cháy, dễ nổ, chất độc hại, hôi thối hoặc súc vật bị dịch bệnh cùng với hành khách.
(Khoản 1 điều 26 Nghị định số 09/2005/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ).
Câu hỏi số 12. Hành vi, mức phạt đối với vi phạm vận chuyển khách ngang sông bằng phương tiện có động cơ sức chở đến 12 người?
Trả lời: Người lái phương tiện có động cơ sức chở đến 12 người chở khách ngang sông có một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000đ đến 100.000đ.
- Không bố trí chỗ ngồi cho hành khách; để hành khách đứng trên phương tiện hoặc có hành vi khác làm mất an toàn của phương tiện;
- Chở động vật nhỏ mà không nhốt trong lồng, cũi hoặc chở động vật lớn chung với hành khách;
- Không có nội quy an toàn hoặc không phổ biến nội quy an toàn cho mọi người trên phương tiện;
- Chở chất dễ cháy, dễ nổ, chất độc hại, hôi thối hoặc súc vật bị dịch bệnh cùng với hành khách.
(Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 09/2005/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ).
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1