Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Hai Bà Trưng
14/02/2022
Đền thờ Hai Bà Trưng thuộc bản Nam Tiến, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.| Theo thần phả và sắc phong hiện đang lưu giữ tại đền thờ Hai Bà Trưng ở bản Nam Tiến thì đền thờ được xây dựng năm Tự Đức thứ 6 (1852) tại thôn Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Năm 1973, do sông Hồng có sự thay đổi dòng chảy, hiện tượng sụt lở đất đe dọa toàn bộ diện tích đất canh tác và khu dân cư của hai làng; Nại Xã và Nam Chân, trong đó có cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng, chính quyền và nhân dân địa phương đã di chuyển toàn bộ đền thờ về thôn Tân Tiến, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Năm 1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Bắc, nhân dân thôn Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng chuyển đến định cư vùng kinh tế mới tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Để đáp ứng nguyện vọng đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân, tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp kinh phí chuyển toàn bộ đồ nội thất, đồ thờ cúng của đền thờ Hai Bà Trưng từ thôn Tân Tiến, xã Hồng Hà lên bản Nam Tiến, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Năm 2004, chính quyền địa phương và bà con nhân dân xã Chiềng Khương đã tổ chức quyên góp, ủng hộ công sức, tiền của để xây dựng lại đền thờ Hai Bà Trưng. Khu đến được xây dựng mới bằng gạch trên nền đất cũ, Hiện nay diện tích phần xây dựng toàn bộ ngôi đến khoảng 1.500m².
Di tích đền thờ Hai Bà Trưng ở bản Nam Tiến hiện còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn bộ đồ thờ tự của đền thờ gốc tại thôn Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, gồm 50 hiện vật làm bằng các loại chất liệu, như: gỗ, đồng, sành, sứ, giấy. Những hiện vật này có niên đại khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
Đền thờ Hai Bà Trưng là một di tích có giá trị lịch sử - văn hóa chứng kiến những thay đổi lớn lao của nhân dân xã Hồng Hà trong lịch sử. Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 11-11-2011.
Nguồn Theo Địa Chí Sơn La xuất bản năm 2020