Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến 99
17/02/2022
Khu căn cứ kháng chiến 99 thuộc các xã vùng cao, huyện Bắc Yên. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là vùng rừng núi hiểm trở, hoang vu thuộc các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, bao gồm: Hang Chú, Làng Chếu, Xím Vàng, Tà Xùa, Phiêng Ban, Pắc Ngà, Pắc Lừm, Hồng Ngài.
Khi ấy trong giấy đi đường của người dân nơi đây viết tắt là PP (PP nghĩa là Pắc Pắc viết tắt tên 2 xã Pắc Ngà, Pắc Lừm). Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 12-1946), dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến, tỉnh dựa vào địa hình đồi núi hiểm trở, rừng rậm hoang vu để thành lập Khu căn cứ kháng chiến 99. Phương thức hoạt động chủ yếu của Khu căn cứ là vận động, tuyên truyền những cá nhân, hộ gia đình tốt làm cơ sở để thu thập thông tin, vận động nhân dân đấu tranh chống bắt phu, bắt lính; xây dựng các lũng, lán bí mật để cất giấu lương thực, tránh địch càn quét và nuôi giấu cán bộ. Tại các bản hình thành lực lượng tự vệ bán vũ trang để phối hợp với các đội công tác vũ trang bảo vệ dân, chống càn.. Tiêu biểu là Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc (gọi tắt là Đội công tác Khu 99) thành lập cuối tháng 5-1950. Đội gồm có 10 đồng chí được chọn từ cán bộ du kích cốt cán ở địa phương trong các xã, bản, có nhiệm vụ gây dựng cơ sở cách mạng và hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân đấu tranh du kích tại địa bàn vùng cao Tường, Gia Phù; đồng thời bắt liên lạc với Ban Cán sự Huyện ủy Mường La đích đến là vùng Bắc Ngà, Pắc Làm với mật danh là “PP viết ngược là 99. Đội Pắc Pắc tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đơn giản, linh hoạt, trà trộn vào dân di chuyển nhanh chóng, có thể tập trung, phân tán dễ dàng. Hình thức tác chiến kết hợp giữa tuyên truyền, vận động nhân dân với chiến tranh du kích mọi lúc, mọi nơi, nhằm tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ dân, gây áp lực cho hoạt động chính trị.
Tháng 9-1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Tại Khu căn cứ kháng chiến 99, chi bộ Pắc Pắc đã vận động quần chúng khắp các bản tham gia tích cực vào việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến trường, theo dõi và cung cấp tình hình địch ở các đồn Bản Trai, Vạn Yên, dẫn đường cho bộ đội quân báo vào vùng địch hậu...
Tại Khu căn cứ kháng chiến 99, sau khi nhận được lệnh phát động chiến dịch của Bộ Chính trị, bộ đội chủ lực phối hợp với du kích địa phương tổ chức phục kích, chặn đánh bẻ gãy nhiều đợt hành quân, càn quét của địch. Dựa vào địa thế hiểm trở, dân cư thưa thớt, thuận lợi cho việc tổ chức các trận đánh du kích nhỏ lẻ với hình thức đánh phủ đầu chớp nhoáng, rút lui an toàn, các đợt phục kích này đã gây ra cho địch nhiều tổn thất nặng nề, thu được nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11-1952, được sự ủng hộ của nhân dân địa phương, đội du kích Khu 99 liên tiếp tổ chức 3 trận đánh lớn tại địa bàn các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Hang Chú.
Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi đã mở ra một thời kỳ mới cho nhân dân các dân tộc Bắc Yên. Khu căn cứ kháng chiến 99 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Ngày nay, địa danh Hồng Ngài còn được biết đến là quê hương của vợ chồng A Phủ trong tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Tô Hoài.
Khu căn cứ kháng chiến 99 được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 28-5-2012.
Nguồn Theo Địa Chí Sơn La xuất bản năm 2020