Đến năm 2025 tỉnh Sơn La phấn đấu phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh 17.000 ha
Những năm qua cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực tại Sơn La. Trên địa bàn đã hình thành vùng trồng tập trung gắn với cơ sở chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế.

 

Năm 2021, diện tích trồng cà phê toàn tỉnh là 17.997 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 16.083ha. Cà phê trồng chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Thành phố, Sôp Cộp, Yên Châu. Các địa phương đã từng bước áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cà phê theo quy trình kỹ thuật đã được bảo hành. Do điều kiện địa hình đồi núi dốc, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi còn hạn chế, hầu hết diện tích cà phê trong vùng chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên là chính, diện tích tưới nhỏ giọt đã và đang được đưa vào áp dụng cho cây cà phê nhưng diện tích còn nhỏ.

Diện tích cà phê được trồng cây che bóng khoảng trên 5.500 ha (chiếm gần 30%) diện tích cà phê toàn tỉnh, chủ yếu với cây mắc ca, muồng đen, keo dậu; cây ăn quả: Mận, nhãn, bơ, xoài,...) tăng thu nhập cho các hộ trồng xen từ cây ăn quả từ 30 - 50 triệu đồng/ha. Kỹ thuật cắt tỉa cành nuôi thân, hãm ngọn, cắt tỉa cành, cắt bỏ chồi vượt, trồng thay thế cây sinh trưởng kém bằng cây mới cũng đã được quan tâm thực hiện nhưng diện tích chưa nhiều. Thu hoạch, dụng cụ thu hái, bảo quản cà phê quả tươi, phương tiện vận chuyển và bao bì phù hợp từng bước được các doanh nghiệp thu mua quả cà phê tươi trên địa bàn hướng dẫn người sản xuất thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Cùng với đó việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà phê được áp thí điểm với mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ ISRAEL cho cây cà phê trên diện tích 23 ha được thực hiện tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La. Cùng với triển khai mô hình ghép tái canh cà phê với quy mô 2.000 gốc với 4 giống cà phê đưa vào ghép TN1, TN6, TN7 và TN9 đã giúp nâng cao năng suất chất lượng để phục vụ tái canh cà phê.

Triển khai nhanh, đồng bộ các quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất cà phê, hiện nay trên địa bàn tỉnh, diện tích cà phê được UTZ cấp chứng nhận 16.542,9 ha, 2.934 ha sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, cấp chứng nhận VietGAP 16 ha;  20 ha cà phê đặc sản phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm cà phê; xây dựng duy trì và phát triển chuỗi cung ứng cà phê 16 ha, sản lượng 132 tấn cà phê nhân/năm, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất cà phê.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 cơ sở sơ chế cà phê nhân theo quy mô công nghiệp tổng sản lượng quả chế biến trên 90.000 tấn quả tươi/năm (chiếm gần 50% sản lượng quả toàn tỉnh) chủ yếu được chế biến bằng phương pháp ướt; có 05 đơn vị chế biến sâu sản phẩm cà phê 500-1000 tấn/năm.

Từ năm 2017 sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La; đến nay đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” cho 6 tổ chức sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn toàn tỉnh. Có 02 sản phẩm cà phê được cấp chứng nhận OCOP, trong đó 01 sản phẩm cà phê bột nguyên chất đạt 5 sao, 01 sản phẩm Trà vỏ cà phê đạt 4 sao.

Đến năm 2025 tỉnh Sơn La phấn đấu phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh 17.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 2,0-2,5 tấn cà phê nhân/ha; trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha; khoảng 70 - 90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận; đến năm 2025 các cơ sở chế biến cà phê có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng chế biến cà phê và bảo vệ môi trường; chế biến sâu nâng cao giá trị sản xuất cà phê.

Diệp Hương

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1