Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin
(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về quyền con người, quyền công dân, quyền được tiếp cận thông tin của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản Luật cụ thể hóa Hiến pháp.

Thực hiện Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Nghị định số 13/2018/NĐ- CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và Nhân dân về Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành. Quán triệt nguyên tắc tiếp cận thông tin là quyền của công dân, cơ quan nhà nước có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin hoặc lồng ghép trong Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin: phổ biến, quán triệt rộng rãi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân các quy định của Luật Tiếp cận thông tin; thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin; cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, của các cơ quan, tổ chức khác; bố trí đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin...

anh tin bai

Việc tuyên truyền pháp luật luôn được quan tâm thực hiện

Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin được thực hiện bằng các hình thức được Luật Tiếp cận thông tin quy định như: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật; các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân; không thực hiện cung cấp thông tin đối với thông tin công dân không được tiếp cận (theo quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin); thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đối với thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện (theo quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin); quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, bố trí nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cung cấp, công khai, lưu giữ thông tin; bố trí nơi tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin. Bên cạnh đó đảm bảo trang bị phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin; niêm yết, công khai thông tin tới từng cơ sở tổ, bản; tăng cường cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là loa truyền thanh ở cơ sở trong việc cung cấp thông tin cho người dân, đặc biệt chú trọng người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Việc vận hành Cổng/Trang thông tin điện tử phục vụ công tác tiếp cận thông tin được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. UBND tỉnh tập trung công khai các thông tin, hoạt động của UBND tỉnh; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; công khai văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành của các sở, ban, ngành; các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương ban hành. Cổng thông tin điện tử của tỉnh thực hiện tích hợp đầy đủ các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã và các văn bản quy phạm pháp luật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; cập nhật đầy đủ thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Trong năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức được 948 cuộc tuyên truyền cho 113.844 lượt người nghe; cấp phát 3.048 loại tờ rơi, tờ gấp có phiên âm sang tiếng dân tộc thiểu số và 6.904 cuốn sách, tài liệu liên quan đến nội dung về quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã áp dụng hệ thống phần mềm điện tử VNPT-iOffice để chỉ đạo, điều hành, quản lý hồ sơ giải quyết công việc chuyên môn, đồng thời xây dựng và vận hành các Cổng/Trang thông tin điện tử của từng ngành, địa phương với thiết kế, giao diện phù hợp, đảm bảo bao quát các lĩnh vực chuyên môn; các cơ quan, đơn vị đã thiết lập các chuyên mục như: “Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo”, “Văn bản quy phạm pháp luật”, “Thông tin cải cách hành chính”, “Văn bản quy phạm pháp luật”, “Văn bản chỉ đạo điều hành”, “Thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật”, “Thông tin chế độ chính sách mới”, “Thông tin cải cách hành chính”, “Công báo”, “Thông báo”, “Chuyên mục Hỏi đáp”, “Tiếp cận thông tin”... để tăng cường hoạt động tương tác, trao đổi thông tin giữa cơ quan, đơn vị với người dân và doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp Nhân dân.

Việc cung cấp thông tin cho người khuyết tật; đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương như: thông qua Cổng/Trang thông tin điện tử (hiện nay, Trang Thông tin điện tử Văn phòng UBND tỉnh đã có chức năng hỗ trợ cho người khiếm thính); thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho các đối tượng đặc thù; thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân ở cơ sở (trong đó có người khuyết tật; đồng bào dân tộc thiểu số). Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng các tài liệu tuyên truyền, PBGDPL; tờ rơi, tờ gấp pháp luật (trong đó có tài liệu bằng tiếng dân tộc) để tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cho người khuyết tật; lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa - chính trị của tỉnh, trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chính sách mới cho Nhân dân; thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Thông tin về cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân được kịp thời công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng/Trang thông tin điện tử và thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật.

Thông qua công tác công khai, minh bạch thông tin giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nắm vững chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi, nhanh gọn, giảm thiểu chi phí kinh doanh và các rủi ro khi đầu tư, từ đó thu hút đầu tư và tạo việc làm cho lao động của tỉnh; doanh nghiệp và người dân không phải mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm văn bản, thông tin...; giảm rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm các hành vi vi phạm pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện... Việc công khai, cung cấp thông tin kịp thời đã giúp người dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chủ động ứng phó với biến đổi thời tiết và biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đã giúp cho công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố có hiệu lực và nâng cao hiệu quả, tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, trên cơ sở được tiếp cận thông tin, người dân đã kịp thời kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện cơ chế, chính sách, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thông qua quyền được tiếp cận thông tin, giúp người dân nâng cao hiểu biết và nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật.

Như Thủy

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1