Quan tâm nâng cao đời sống của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số
(sonla.gov.vn) Việc quan tâm nâng cao đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số là một mục tiêu quan trọng, nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững. Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và các nguồn lực phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.
anh tin bai
Quan tâm nâng cao đời sống của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Sơn La là một tỉnh miền núi có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, với hơn 84% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em trong vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động và chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của đối tượng này. Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tiến tới từng bước thu hẹp khoảng cách giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được tham gia bình đẳng các lĩnh vực đời sống xã hội. Việc hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của từng vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và hiệu quả trong tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, thu hút nguồn lực quốc tế, góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững của địa phương. UBND tỉnh bám sát các nghị định của Chính phủ, chủ động xây dựng khung pháp lý, kế hoạch đồng bộ, ban hành chương trình tăng cường hợp tác, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2020-2025. Tích cực phối hợp với Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để triển khai thực hiện. Giai đoạn 2019-2025, tổng giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với tỉnh Sơn La đạt 19.393.768 USD. Các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài được triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực: Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng; hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập, phát triển nông nghiệp nông thôn; phòng chống biến đổi khí hậu, môi trường, y tế, giáo dục - đào tạo; cứu trợ khẩn cấp; nước sạch; chăm sóc, bảo trợ trẻ em...

Giúp phụ nữ khởi nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (nay là Ban công tác Phụ nữ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất, kinh doanh, hiệu quả, liên kết chị em cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hằng năm, Ban phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; giám đốc, phó giám đốc và thành viên HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Nội dung tập huấn về xây dựng kế hoạch kinh doanh; kỹ năng bán hàng, marketing online trên các nền tảng mạng xã hội; hướng dẫn kết nối thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực hành thiết kế clip, video, poster quảng bá sản phẩm... Ngoài ra, đại diện nữ quản lý các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác còn được hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, như: Cuộc thi “Hạt giống thúc đẩy kinh doanh” và “Đòn bẩy tăng tốc kinh doanh”, “Phụ nữ khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa”… Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng tem nhãn, bao bì sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 600 phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh có đăng ký kinh doanh; 30 HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Trên 34.000 hộ hội viên, trong đó, có HTX do phụ nữ làm chủ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ hơn 1.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ còn thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông, tuyên truyền nâng cao kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, trẻ em cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, từ đó nhằm thay đổi nhận thức, thói quen chưa phù hợp, tích cực thực hành làm mẹ an toàn.

Trong thời gian tới, để nâng cao đời sống phụ nữ dân tộc thiểu số, các cấp hội phụ nữ tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, và kỹ năng cho phụ nữ dân tộc thiểu số; đảm bảo phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề, đặc biệt là các ngành nghề phù hợp với điều kiện địa phương; hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay, khoa học kỹ thuật, và thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ. Khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, và các chương trình phát triển cộng đồng; phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt, biểu dương, khen thưởng những phụ nữ dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội. 

Lê Hồng

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1