Triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2030
(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, các cấp các ngành tỉnh Sơn La đã xác định rõ vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế; lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả, thực chất làm tiêu chí hàng đầu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. 

Công tác phát triển nguồn nhân lực được tập trung phát triển

 Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động cung cấp nguồn nhân lực cho sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản hướng đến xuất khẩu và phục vụ xuất khẩu lao động. Tỉnh đã tổ chức 01 Hội nghị tư vấn việc làm, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm với 52 đơn vị, 54 gian hàng đăng ký tham gia đã thu hút được hơn 6.000 người lao động tham gia và tạo việc làm mới cho hơn 4.000 lao động; 01 Hội nghị tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động năm 2025 cho 79 người lao động và đại diện gia đình, người thân của người lao động có nhu cầu đăng ký tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn các xã, thị trấn.

anh tin bai
Đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.

Tăng cường công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận môi trường hội nhập kinh tế quốc tế và thị trường quốc tế

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả các giải pháp về chính sách về đất đai, hỗ trợ đầu tư, thuế quan, đăng ký kinh doanh... để khuyến khích phát triển doanh nghiệp xuất khẩu, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn lao động chất lượng cao từ nước ngoài; giải pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về cư trú, đảm bảo an ninh cho người nước ngoài... theo quy định và phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Tích cực triển khai các đề án, dự án về quy hoạch vùng kinh tế, vùng sản xuất; quy hoạch về nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống cửa khẩu biên giới, dịch vụ logistics... để giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng đến xuất khẩu, thu hút nhà đầu tư nước ngoài như: Đã tổ chức Lễ Khởi công dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam theo dõi tiến độ triển khai công tác lập Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Nà Sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng phương án đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026 - 2030.

Chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh rà soát, bổ sung các dự án phát triển vận tải và logistics vào Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở bố trí nguồn lực, thu hút đầu tư và triển khai thực hiện trong kỳ quy hoạch. Khai thác lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập, Chiềng Khương và các tuyến đường nối với Lào, Trung Quốc (chuỗi dịch vụ logistics quan trọng của khu vực miền núi phía Bắc) nhằm thu hút các luồng hàng hóa thông qua cửa khẩu biên giới với Lào, Trung quốc và ngược lại; phục  vụ nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Thực hiện quy  hoạch 01 trung tâm logistics tại khu vực thị xã Mộc Châu gắn với chợ đầu mối nông sản, bám theo tuyến Quốc lộ 6, đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; quy hoạch 01 trung tâm logistics tại khu vực huyện Mai Sơn gắn với Khu Công nghiệp Mai Sơn và Cảng hàng không Nà Sản, kết nối giao thông thuận tiện với Cảng hàng không Nà Sản, Quốc lộ 6, Quốc lộ 4G, Quốc lộ 37 để phục vụ hoạt động sản xuất Khu Công nghiệp Mai Sơn, hỗ trợ chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản.

Công tác nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế

Xây dựng Kế hoạch phóng sự quảng bá sản phẩm du lịch gắn với quảng bá nông nghiệp tỉnh Sơn La tại “Chương trình Khám phá Việt Nam” phát trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam; Kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu trên VTV về công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Sơn La năm 2025. Mời các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đoàn giao dịch, xúc tiến thương mại tại thị trường Ấn Độ, tham gia triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may Việt Nam năm 2025.

Tập trung ưu tiên vào việc nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các nội dung liên quan đến tín chỉ các-bon rừng. Phối hợp với Tổ chức CARE hoàn thiện văn kiện, trình phê duyệt dự án C4G "Xây dựng năng lực thực hiện Kế hoạch giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và huy động nguồn tài chính bền vững để bảo vệ và phát triển rừng", trong đó triển khai các hoạt động nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tín chỉ các-bon rừng, đặc biệt là trong đo đếm tính toán lập hồ sơ trữ lượng các-bon rừng; đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ các bon rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong 6 tháng cuối năm 2025, tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; gắn ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hóa và đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong công tác ngoại giao kinh tế.

Triển khai tốt các hoạt động đối ngoại các cấp, trong đó tiếp tục kiên định xác định chú trọng duy trì và từng bước xây dựng quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng phát triển với các tỉnh của nước CHDCND Lào, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, cơ hội hợp tác hợp tác kinh tế với các nước ngoài khu vực ASEAN nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong tỉnh phục vụ cho phát triển của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Chủ động, tích cực hội nhập và ngoại giao kinh tế trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng, hài hòa trong ứng xử quốc tế, nâng cao vị thế đất nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng.

Nguyễn Hạnh

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1