Quan tâm công tác y tế trường học
(sonla.gov.vn) Những năm qua, công tác y tế trường học (YTTH) trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai nhằm từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh các lứa tuổi mầm non đến trung học phổ thông (THPT).

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác y tế học đường, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành các văn bản về thực hiện bảo hiểm y tế học sinh; triển khai công tác y tế học đường tỉnh Sơn La; xây dựng các Chương trình, Kế hoạch triển khai các nội dung về công tác y tế trường học theo theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học trong các năm học.

Đồng thời, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền chương trình về dân số, gia đình, trẻ em; thực hiện tiêm chủng mở rộng, phòng, chống các bệnh thường gặp ở trẻ em, học sinh tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc trẻ em đến các nhà trường, gia đình nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong diện quản lý. Các trường học ký kết phối hợp với trạm y tế xã/phường, thị trấn để tổ chức khám chữa bệnh ban đầu, hỗ trợ sơ cứu, tư vấn sức khỏe cho học sinh. Phối hợp với hội cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh tai nạn thương tích, sức khỏe sinh sản vị thành niên...Tổ chức các chiến dịch truyền thông, chương trình ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe học đường với sự tham gia của cộng đồng. Phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh để tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được chăm sóc sức khỏe toàn diện. Công an địa phương tham gia bảo đảm an ninh trường học, phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

anh tin bai

Các hoạt động tuyên truyền cho học sinh được lồng ghép dưới nhiều hình thức.

Đến năm 2025, toàn tỉnh Sơn La có 71,4% trường học có phòng y tế riêng hoặc phòng chức năng kiêm nhiệm theo đúng tiêu chuẩn tối thiểu; một số trường học vùng sâu còn thiếu phòng y tế độc lập; việc bố trí còn mang tính lồng ghép; được trang cấp cơ bản theo danh mục tối thiểu của Bộ Y tế, bao gồm: Băng, gạc, thuốc sát trùng, thiết bị đo huyết áp, máy đo thân nhiệt, hộp thuốc sơ cấp cứu; một số trường nội trú được bổ sung thêm thiết bị kiểm tra thị lực, cân điện tử; công tác quản lý thuốc được thực hiện định kỳ, có kiểm tra giám sát chuyên môn từ Trung tâm Y tế huyện; 100% trường học có nhà vệ sinh nhưng chất lượng nhà vệ sinh đạt chuẩn còn chưa đồng đều, nhất là tại các trường mầm non vùng cao.

Hiện tại tỉnh Sơn La triển khai 3 mô hình công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở trên địa bàn gồm: Mô hình Trường học có nhân viên y tế chuyên trách (tại 12 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh); mô hình Trường học không có nhân viên y tế, do giáo viên kiêm nhiệm phụ trách, có sự hỗ trợ định kỳ của trạm y tế xã; mô hình phối hợp trực tiếp giữa trường học và trạm y tế xã, ký kết quy chế hợp tác trong chăm sóc sức khỏe học sinh.

Hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà trường có tổ chức bán trú cho học sinh để đảm bảo sức khỏe cho học sinh (kiểm tra nhà ăn, căng tin, nơi chế biến thức ăn, dụng cụ chứa đựng thực phẩm…). 100% trường có tổ chức nấu ăn nội trú, bán trú được kiểm tra đã chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, có đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến an toàn thực phẩm; các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, con người đảm bảo; nguồn nước, nguyên liệu chế biến thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm.

Nhiều trường mầm non và tiểu học tổ chức bữa ăn bán trú nhằm giúp học sinh phát triển thể chất, trí tuệ, giảm gánh nặng cho phụ huynh. Các bữa ăn được xây dựng theo thực đơn cân đối, phù hợp với độ tuổi, do cán bộ dinh dưỡng hoặc nhà cung cấp suất ăn xây dựng. Đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới, cụ thể: Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 3,45%; Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 5,44%; Trẻ thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ 0,09%. Một số địa phương triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng như phần mềm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. 100% các đơn vị trường học đã thực hiện tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tổ chức triển khai Mô hình thí điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, qua quá trình tổ chức khảo sát thực tế Ban điều hành dự án triển khai thí điểm mô hình của Bộ GD&ĐT đã chọn trường TH&THCS Tây Tiến Mộc Châu, trường TH&THCS Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một trong 10 trường trên toàn quốc tham gia mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học (thực hiện thí điểm đối với cấp tiểu học). Mô hình được triển khai tại điểm trường chính với tổng số 300/500 học sinh từ lớp 1 - lớp 5 của nhà trường được tham gia Mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh. Số tiền đóng góp của cha mẹ học sinh cho 1 bữa ăn trưa là 12.000đ/1 học sinh, Dự án hỗ trợ 3.000đ/1 học sinh và 01 hộp sữa; để tổ chức triển khai các nội dung hoạt động của mô hình nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức nấu ăn và các đồ dùng dành cho chương trình giáo dục thể chất tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh tiểu học. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai Dự án “Nuôi em Mộc Châu” do Đoàn thanh niên Công an tỉnh Sơn La hỗ trợ cho 8.963 trẻ em tại 55 trường mầm non thuộc 05 huyện  (Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn) với số tiền ăn được hỗ trợ là 6.800 đồng/trẻ/ngày.

Đồng thời, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong trường học được UBND tỉnh Sơn La, Sở GD&ĐT và Sở Y tế quan tâm chỉ đạo xuyên suốt. Các đơn vị phối hợp tổ chức các đợt truyền thông chuyên đề, xây dựng tài liệu hướng dẫn giáo viên và cán bộ y tế học đường.  Nội dung truyền thông chủ yếu: Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh học đường và bệnh không lây nhiễm; tổ chức buổi nói chuyện, tư vấn tâm lý học đường (qua giáo viên, chuyên gia); một số trường phối hợp với Đoàn - Hội - Đội để tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống, phòng ngừa bạo lực học đường, quản lý cảm xúc; dự án “Trường học thân thiện với sức khỏe” triển khai tại các trường dân tộc nội trú kết hợp giáo dục cảm xúc tích cực; truyền thông sử dụng nhà vệ sinh đúng cách, tiết kiệm nước sạch; hướng dẫn tự lau dọn bàn ghế, vệ sinh lớp học, mang dép khi đi nhà vệ sinh - đặc biệt tại các điểm trường mầm non, tiểu học bán trú; tổ chức thi đua “Lớp học sạch - Góc học tập xanh - Bàn tay thơm”.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1