Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục mầm non
(sonla.gov.vn) Thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg, ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp để Đề án đi vào cuộc sống, có tác động sâu sắc, toàn diện đến sự đổi thay, phát triển của cấp học mầm non.
anh tin bai

Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

Hiện nay toàn tỉnh có 228 trường mầm non với 3.712 nhóm, lớp (trong đó có 807 nhóm trẻ, 2.905 lớp mẫu giáo); hiện có 3.947 phòng học, trong đó có 3.106 phòng học kiên cố (78,7%); 789 phòng học bán kiên cố (20%); hiện còn 43 phòng học tạm và 49 phòng học nhờ/mượn. Khối phòng chức năng: Có 251 phòng giáo dục thể chất và giáo dục nghệ thuật; Khối phòng nuôi dưỡng: Có 554 phòng (trong đó phòng bếp 369; phòng kho 185) cơ bản đáp ứng và đảm bảo việc thực hiện công tác bán trú cho trẻ tại các cơ sở GDMN; 100% các cơ sở GDMN có bộ đồ chơi ngoài trời; 90% các cơ sở GDMN có bộ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu; 100% trường mầm non có bếp ăn bán trú, trong đó bếp ăn thực hiện theo quy trình vận hành bếp ăn một chiều đạt 80%;  185 trường mầm non có phòng Kidsmart đang hoạt động, đạt 81,4%; 100% trường mầm non được lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Song song với việc chú trọng đầu tư phát triển về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo đó, tỉnh đã xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, nâng cao năng lực thực tiễn cho giáo viên; tập trung vào nội dung bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành các quy định đạo đức nhà giáo, phương pháp rèn luyện và xây dựng phong cách nhà giáo phù hợp với chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non và xu thế hội nhập quốc tế; tích cực đổi mới phương pháp bồi dưỡng theo hướng phát huy tính tích cực, tăng cường tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng…Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn cấp học mầm non có 7.007 người (trong đó có 623 cán bộ quản lý, 5.990 giáo viên, 394 nhân viên).

Thực hiện Nghị quyết số 140/2020/NQ-HĐND ngày 03/9/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non và trường phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh, các trường mầm non đã tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo đó, mức hỗ trợ cho trẻ em nhà trẻ là 160.000đ/tháng; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho các trường mầm non thuộc xã đặc biệt khó khăn 16.000.000đ/tháng; hỗ trợ kinh phí (một lần) để nhà trường mua sắm dụng cụ nhà bếp, đồ dùng phục vụ nấu ăn, bữa ăn tập thể tối đa 100.000.000đ (theo số lượng trẻ ăn bán trú); hỗ trợ kinh phí để các đơn vị trường có tổ chức nấu ăn bán trú hợp đồng với cơ sở y tế thực hiện kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm 2.500.000đ/tháng (theo số tháng thực học, không quá 9 tháng/1 năm học).

UBND tỉnh luôn quan tâm tới việc kiện toàn hệ thống quản lý giáo dục mầm non, bố trí cán bộ quản lý phù hợp với phẩm chất, năng lực và ổn định cán bộ chỉ đạo chuyên môn các cấp; đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục mầm non theo hướng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục mầm non; giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề liên quan tới giáo dục mầm non, không để xảy ra các bức xúc dư luận không tốt; thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non theo đúng đường lối của Đảng và Nhà nước. Chỉ đạo tập trung tăng cường thực hiện phân cấp quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các trường mầm non và nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập. Trong giai đoạn 2018-2025, toàn tỉnh thành lập được 3 trường mầm non tư thục và 13 lớp mầm non độc lập, tạo điều kiện để trẻ mầm non được chăm sóc nuôi dưỡng trong điều kiện đảm bảo. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình về những vấn đề liên quan tới giáo dục mầm non theo phân cấp, phát huy vai trò người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm trong việc xây dựng thương hiệu, cam kết chất lượng đầu ra với cha mẹ trẻ.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, theo kế hoạch của tỉnh đã lựa chọn 01 trường triển khai thí điểm (Trường mầm non Tô Hiệu - thành Phố Sơn La). Chỉ đạo nhà trường xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục STEAM, thiết kế môi trường giáo dục STEAM đối với Phòng thực hành STEAM đảm bảo theo các quy định về tiêu chí sắp xếp; tính an toàn cho trẻ. Tổ chức, giao nhiệm vụ cho các giáo viên tham gia thực hiện các hoạt động tại Phòng thực hành STEAM. Sử dụng triệt để, có hiệu quả đồ dùng, học liệu, thiết bị giáo dục của 10 dự án giáo dục đã được cấp. Bên cạnh đó, Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị trường trong tỉnh tùy theo điều kiện thực tiễn và khả năng của giáo viên để triển khai áp dụng hoặc ứng dụng một phần hoặc toàn phần phương pháp giáo dục STEAM. Căn cứ vào thực tiễn, các nhà nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục STEAM lồng ghép vào Kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường/Kế hoạch giáo dục nhóm lớp để triển khai một số hoạt động giáo dục STEAM đối với khối mẫu giáo. Giao nhiệm vụ cho các giáo viên, trẻ mầm non tham gia thực hiện các hoạt động giáo dục STEAM tại khối/lớp.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1