(sonla.gov.vn) Xác định việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần xây dựng trường học an toàn - hạnh phúc. Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng, đa dạng, phù hợp với từng cấp học, tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học cho học sinh, sinh viên, cán bộ, viên chức toàn ngành. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của dân tộc, văn hóa ứng xử học đường, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy, xâm hại trẻ em, an toàn giao thông… Hình thức tuyên truyền được đổi mới đa dạng như: Tổ chức diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu, thi trực tuyến, sân khấu hóa, chiếu phim tư liệu, lồng ghép trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để truyền tải nội dung tuyên truyền (video clip, infographic, bài viết, phóng sự...) được đăng tải trên website đơn vị, fanpage, nhóm Zalo, Facebook.
Các hoạt động tuyên truyền tiêu biểu được triển khai như tuyên truyền qua chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” được duy trì đều đặn ở các trường phổ thông và đã trở thành nét đẹp trong trường học. Qua đó, rất nhiều câu chuyện tử tế, hành động đẹp được lan tỏa và noi theo. Tổ chức diễn đàn “ Xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường” tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Diễn đàn “Xây dựng trường học không bạo lực”, “Thanh thiếu nhi nói không với bạo lực học đường”,… Phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, cơ quan Công an tổ chức ngoại khóa "Phòng, chống ma túy học đường". Thông qua các hoạt động giáo dục tuyên truyền, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết mà còn được khơi dậy tinh thần nhân ái, biết sống tử tế và có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Việc duy trì đều đặn các chuyên mục, diễn đàn đã tạo môi trường học đường tích cực, an toàn, góp phần hình thành thói quen ứng xử văn minh, thân thiện trong học sinh. Đặc biệt, sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường với các tổ chức Đoàn thể, cơ quan Công an trong công tác tuyên truyền đã nâng cao hiệu quả giáo dục phòng chống các tệ nạn xã hội, định hướng lối sống lành mạnh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Các hoạt động tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong trường học được lồng ghép trong các buổi học ngoại khóa.
100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử, đảm bảo phù hợp với cấp học, độ tuổi và đặc thù của từng đơn vị; nội dung quy tắc thể hiện sự tôn trọng, thân thiện, nhân văn, nêu gương và trách nhiệm giữa các mối quan hệ trong trường học. Các cơ sở giáo dục thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung quy tắc sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; quy định rõ về những hành vi nên làm, không nên làm và không được làm đối với giáo viên, học sinh và nhân viên trong trường học và được niêm yết công khai tại những vị trí dễ quan sát như: Bảng tin nhà trường, phòng hội đồng, phòng chờ giáo viên, lớp học,... nhằm giúp cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ và thực hiện. Ngoài ra, nhiều trường học còn sử dụng hình ảnh minh họa sinh động, lồng ghép các thông điệp trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động trải nghiệm hoặc trang tin nhà trường để tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên.
Đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử lồng ghép với bản cam kết xây dựng trường học an toàn giữ gìn an ninh trật tự. Tính đến tháng 6/2025 đã có 407 cơ sở giáo dục với 158.443 lượt học sinh; 2.135 sinh viên thực hiện kí cam kết với cơ quan quản lý cấp trên về việc đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không vi phạm pháp luật về ma túy, bạo lực, xâm hại tình dục, thuốc lá, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, trật tự an toàn giao thông. Các nhà trường tùy điều kiện tổ chức xây dựng, duy trì các mô hình“Trường học hạnh phúc” ,“Giờ chào hỏi thân thiện” ,“Hộp thư điều em muốn nói”, “Đội bạn cùng tiến”, "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp", “Việc tốt hàng ngày”, “Thủ lĩnh của sự thay đổi”…
Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời đặc biệt quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, lấy học sinh làm trung tâm. Các cơ sở giáo dục đã tích cực lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử vào hoạt động dạy học chính khóa và ngoại khóa. Đặc biệt chú trọng các chuyên đề như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử văn minh, quyền và bổn phận của học sinh, chuyển đổi số, khởi nghiệp, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống ma túy, HIV/AIDS… Các chủ đề này được thể hiện sinh động thông qua hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt Đoàn, Đội, Hội, tạo điều kiện để học sinh rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, trách nhiệm và hành vi ứng xử đúng mực, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật, góp phần hình thành năng lực công dân toàn cầu.
Việc đưa văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học là một trong những điểm nhấn quan trọng trong đổi mới nội dung giáo dục văn hóa ứng xử. Hiện nay, 100% trường Tiểu học, THCS, THPT trên toàn tỉnh đã triển khai giảng dạy nội dung văn hóa địa phương vào kế hoạch giáo dục của nhà trường . Ngành Giáo dục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động trải nghiệm như dạy vũ điệu Xòe Thái, Vũ điệu đoàn kết, ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa dân tộc, lịch sử địa phương. Nhờ đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, đến nay toàn tỉnh có khoảng 362.650/381.737 học sinh, sinh viên (tương đương 95%) thực hiện tốt các quy định trong Bộ quy tắc ứng xử học đường. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc rèn luyện ý thức, hành vi và thái độ ứng xử đúng mực của học sinh, góp phần xây dựng trường học thân thiện, nhân văn.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội, nhất là lực lượng Công an và cha mẹ học sinh, nhằm tạo môi trường giáo dục toàn diện, lành mạnh cho học sinh. Các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã thiết lập mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời tăng cường sự gắn kết với giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh để kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý, tâm tư, nguyện vọng và các biểu hiện bất thường của học sinh. Đặc biệt, đã có 407 trường phổ thông, 03 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức ký cam kết phối hợp với cơ quan Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng ngừa các hành vi vi phạm trong học đường.
Như Thủy