Sơn La bảo tồn giá trị truyền thống các dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
03/10/2024
(sonla.gov.vn) Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa, đưa văn hóa phổ biến sâu rộng thành sản phẩm phục vụ du lịch.
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có dân số trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống. Là tỉnh nằm ở trung tâm của khu vực Tây Bắc, kết nối giao thương thuận lợi với các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu… là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Tỉnh có 95 di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh được phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích đã được các cấp xếp hạng, gồm 02 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 45 di tích cấp tỉnh, 32 di tích trong danh mục. Nhiều di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, nổi bật, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Di tích Văn bia Quế lâm Ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông; Di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến; Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi; Di tích lịch sử khu rừng bản Nhọt... Tỉnh có 16 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Xòe Thái; nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục Mông, Dao; nghệ thuật khèn dân tộc Mông; mo Mường; chữ viết cổ dân tộc Thái và các lễ hội truyền thống, nghi lễ, tập quán xã hội tín ngưỡng của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghệ thuật xòe Thái của Sơn La và các tỉnh Tây Bắc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Toàn tỉnh có 2 nghệ nhân nhân dân, 34 nghệ nhân ưu tú thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu, là những nhân tố tích cực trong truyền dạy văn hóa ở cộng đồng. Xây dựng và duy trì gần 2.300 đội văn nghệ quần chúng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa, đưa văn hóa phổ biến sâu rộng thành sản phẩm phục vụ du lịch.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững. Qua đó, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và hết sức quý báu của các dân tộc trong tỉnh đã được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả, làm cho giá trị các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội.
Diệp Hương