Trang bị kiến thức, kỹ năng số cơ bản và nâng cao trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
(sonla.gov.vn) Thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp; tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thực hiện Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 9/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cho từng năm, từng giai đoạn; tập trung nguồn lực tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin; phát triển chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số. Việc đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao được thực hiện trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đào tạo các môn học liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường, người học có thể tiếp cận ngay với các công việc.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có 03 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Sơn La; Cao đẳng Y tế Sơn La; Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La). Các trường cao đẳng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm và giới thiệu việc làm một cách hợp lý cho người học và bố trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Công tác GDNN tiếp tục được đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các nhà trường. Xác định kiến thức, kỹ năng số cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số; lồng ghép vào chương trình đào tạo, các môn học liên quan tới kỹ năng số, công nghệ thông tin nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học. Dự báo các năng lực và kỹ năng số cần có của ngành, nghề, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Áp dụng hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo. Phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các trường cao đẳng trên địa bàn rà soát chuẩn đầu ra chương trình đào tạo các trình độ tích hợp năng lực số, xây dựng nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số. Chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới. Hiệu chỉnh, bổ sung nội dung liên quan đến năng lực số, kỹ năng số cho người học.Triển khai đào tạo chương trình chất lượng cao trình độ cao đẳng nghề Công nghệ thông tin. 100% các chương trình đào tạo chuyển đổi theo mô đun, tín chỉ, đào tạo theo phương thức kết hợp trong đó 30% đào tạo trực tuyến.
Các cơ sở GDNN thường xuyên cập nhật bổ sung kịp thời nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy theo nhu cầu của thị trường lao động và định hướng cho hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo theo hướng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng tay nghề gắn với vị trí việc làm, nhiều nhà giáo được đào tạo đã phát huy tốt năng lực; cơ sở vật chất và trang thiết bị từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại và hội nhập. Các cơ sở GDNN đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Đặc biệt chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện kế hoạch hợp tác giáo dục và đào tạo giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ đào tạo Tiếng Việt và đào tạo nguồn nhân lực thuộc các cấp trình độ cho lưu học sinh, cán bộ của 09 tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào cho các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn với các lĩnh vực ngành nghề. Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đào tạo các trình trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ cho trên 2.500 lưu học sinh của nước CHDCND Lào và bồi dưỡng tiếng Việt cho hơn 4.300 lượt lưu học sinh Lào. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 363 lưu học sinh Lào đang học tiếng Việt và 596 lưu học sinh đang học chuyên ngành tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong kỷ nguyên số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.
Như Thủy