(sonla.gov.vn) Chuyển đổi số được đẩy mạnh, những công nghệ tưởng chừng xa lạ nay đã đến với nông dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp phủ sóng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Từ đó đã mang lại nhiều thay đổi lớn.
Sản phẩm nông sản bán trên nền tảng mạng xã hội ngày càng phổ biến.
Hiện nay, các sản phẩm nông sản của người dân Sơn La đã tiếp cận khách hàng, bán trên các nền tảng Facebook, Zalo, TikTok, Lazada, Shopee… Việc quay video clip các công đoạn, quy trình chăm sóc trực tiếp khu vườn chính là cách để khách hàng tin tưởng, biết thêm về nguồn gốc, trách nhiệm của người bán đối với sản phẩm. Từ đó, họ có thêm kiến thức và tăng độ tin cậy đối với sản phẩm. Không chỉ đối với doanh nghiệp, nhiều nông dân ở Sơn La cũng tận dụng sức mạnh của công nghệ để tiếp cận với khoa học kỹ thuật, làm giàu kiến thức cho việc canh tác của mình theo hướng thông minh.
Chị Tòng Thị Thanh, xã Chiềng Cọ, thành phố chia sẻ: “Nhà tôi có vườn mận tam hoa lớn, qua tìm hiểu và được cán bộ tập huấn bán hàng online, năm nay đến vụ thu hoạch tôi đã livestreams tại vườn giới thiệu để bán. Ngay lúc livestreams tôi bán được khoảng vài chục đơn hàng sỉ và lẻ. Từ đó tôi tiếp tục bán hàng qua livestreams và đăng lên facebook, zalo để giới thiệu. Khách hàng đặt niềm tin vào sản phẩm hàng thật, người thật giúp tôi bán được nhiều hàng hơn”.
Phục vụ hoạt động chuyển đổi số, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh hoàn thành phát triển 100% xã có hạ tầng băng rộng cáp quang, phổ cập mạng thông tin di động 4G đến 100% xã; tỷ lệ bản được phủ sóng băng rộng di động 4G đạt 96,26%; (2.164/2.248), tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 97,25%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 96,39%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng băng rộng cáp quang đạt 49,18%; tỷ lệ người sử dụng Internet toàn tỉnh đạt 60,11%.
Chuyển đổi số vào cuộc sống thông qua tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến; các doanh nghiệp triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử, giúp người dân thanh toán mọi lúc, mọi nơi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chị Phương Hiêng tiểu thương bán hàng tại chợ Rặng Tếch, phường Chiềng Lề, thành phố cho biết: “Từ ngày sử dụng mã QR để quét thanh toán bán hàng tôi thấy rất thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Khách có quên ví, hay không có tiền mặt vẫn có thể mua hàng và thanh toán bất cứ lúc nào, ở đâu”.
Đa dạng hóa các kênh thanh toán điện tử, từ ứng dụng ngân hàng, ví điện tử đến các điểm chấp nhận thẻ rộng khắp, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch mà còn góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng xã hội số văn minh và hiện đại. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư đồng bộ vào hạ tầng kỹ thuật và triển khai thêm nhiều phương thức thanh toán mới tiện lợi, nhằm thu hút người dân tham gia, thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc. Chuyển đổi số là tất yếu, trong đó công nghệ là hành trang để thay đổi, chuyển đổi dần cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các nền tảng số.
Diệp Hương