Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng
15/05/2025
(sonla.gov.vn) Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 3 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng.
Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Dấu ấn rõ nét của chuyển đổi số ngân hàng trên địa bàn tỉnh là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Với sự đồng hành của ngành ngân hàng, việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với các nhóm dịch vụ như: Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính, nộp thuế, bảo hiểm xã hội được đẩy mạnh. Hiện nay, với các ứng dụng ngân hàng số, người dân có thể gửi tiền tiết kiệm online; vay vốn online; thanh toán tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện; nộp thuế; thanh toán phí bảo hiểm… mọi lúc, mọi nơi.
Để tiếp cận khách hàng qua các kênh số, ngành ngân hàng chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ, nền tảng vận hành, phát triển hạ tầng chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng cung ứng cho khách hàng vì thế ngày càng được số hóa hiện đại, qua đó cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 tổ chức tín dụng gồm: 4 chi nhánh ngân hàng thương mại quốc doanh, 8 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng phát triển, 7 Quỹ tín dụng nhân dân và 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức tín dụng đã chú trọng đầu tư và phát triển hệ thống công nghệ thông tin an toàn, tiện ích, đồng thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ, đảm bảo chất lượng và tính ổn định trong hoạt động. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ và phương thức thanh toán mới, an toàn và tiện lợi, như mở tài khoản và phát hành thẻ điện tử, cũng như thanh toán và rút tiền tại ATM thông qua mã QR.
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đa dạng và gia tăng tiện ích số, trong đó, có việc phát triển sâu rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong thanh toán dịch vụ công trực tuyến, chi trả trợ cấp, an sinh xã hội, thanh toán viện phí, học phí, bảo hiểm, trả tiền điện, nước; miễn, giảm phí thanh toán để thúc đẩy, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng trên môi trường điện tử, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.
Diệp Hương