Quan tâm, tăng cường chuyển đổi số tới vùng núi, vùng sâu, vùng xa
16/05/2025
(sonla.gov.vn) Chuyển đổi số giúp người dân được tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao chất lượng sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ ứng dụng công nghệ số, sản phẩm nông sản của người dân đăng bán trên trang mạng xã hội.
Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng, người dân ở miền núi, biên giới vùng sâu vùng xa của tỉnh đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh vào mạng internet để liên lạc với người thân, đọc báo, giao dịch, đăng ký các thủ tục hành chính. Nhờ ứng dụng công nghệ số, sản phẩm nông sản của gia đình đăng bán trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo đã thu hút được nhiều người mua, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm đến với nhiều người hơn.
Thời gian qua, tỉnh Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi số tại các xã, bản người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin, từng bước hình thành xã hội số. Đến nay hầu hết số hộ gia đình trong các bản đều sử dụng điện thoại thông minh và biết cách cài đặt các ứng dụng để sử dụng. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho các bản tổ chức tốt các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng và người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tình hình an ninh trật tự trong bản. Một trong những nét nổi bật trong chuyển đổi số vùng sâu, vùng xa phải kể đến việc phát triển thương mại điện tử. Đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến, tham gia các hoạt động thương mại điện tử ngày càng tăng.
Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số; từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2026 - 2030, 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận thông tin về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 80% trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số. Có chính sách hỗ trợ dịch vụ viễn thông, Internet cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu 50% chủ thể OCOP là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Diệp Hương