Tình hình sản xuất kinh tế trên địa bàn huyện Mai Sơn trong 9 tháng đầu năm
(sonla.gov.vn) Trong 9 tháng đầu năm 2023, huyện Mai Sơn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn khắc phục khó khăn do nắng, nóng, hạn hán kéo dài, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất cao chất lượng tốt vào sản xuất đảm bảo kế hoạch mùa vụ.

Trên địa bàn huyện đã thực hiện gieo trồng cây hàng năm với tổng diện tích 18.377 ha. Lúa chiêm xuân ước đạt 1.190 ha/1.190 ha (bằng cùng kỳ năm trước); lúa mùa được 1.750/1.740 ha (bằng cùng kỳ năm trước); lúa nương được 1.500/2.000 ha (giảm 0,75% so với cùng kỳ năm trước); gieo trồng ngô mùa được 11.730 ha/11.000 ha (diện tích tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước); rau các loại được 1.466 ha (tăng 7,3% so với cùng kỳ); cây thức ăn gia súc được 741 ha.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển cây công nghiệp trên địa bàn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, với diện tích diện một số cây trồng chủ yếu 18.694 ha. Sắn 4.500 ha (bằng cùng kỳ năm trước); mía 5.600 ha (tổng diện tích mía ước thực hiện được 5.600 ha), bằng với cùng kỳ năm trước; thu hoạch niên vụ 2022-2023 sản lượng mía cây thu mua đạt 386.660 tấn (bằng cùng kỳ năm trước); 8.569 ha cây Cà phê (bằng cùng kỳ năm trước); cây chè được 25 ha, sản lượng ước đạt 45 tấn búp tươi.

Các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc 11.200 ha cây ăn quả, sản lượng tiêu thụ đến thời điểm báo cáo ước đạt 69.596,9 tấn quả các loại, giá trị ước đạt 673.106,16 triệu đồng; tăng 39% về sản lượng, tăng 2,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó 1.027,9 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; 1.217,2 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng và 05 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 4.201 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 1.800 ha sản xuất theo hướng hữu cơ); vận động nhân dân, các hợp tác xã triển khai chăm sóc theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.

Công tác bảo vệ thực vật được duy trì, làm tốt công tác kiểm tra định kỳ; trong 9 tháng đầu năm đã kiểm tra được 108 kỳ, phát hiện 1.111 lượt ha bị nhiễm sâu bệnh; tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng được 1.035,2 lượt ha; tuyên truyền các hộ nông dân thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các xã theo kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho nông dân được 180 lớp với 3.309 lượt người tham gia. Tư vấn, hướng dẫn sản xuất theo mùa vụ được 168 cuộc với 2.568 lượt người tham gia. Thực hiện có hiệu quả các mô hình khuyến nông, khuyến công thuộc các chương trình dự án và được nhân rộng trên địa bàn.

Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn hiện có 1.483.440 con. Trong đó đàn trâu, bò: 44.670 con; dê: 25.200 con; lợn: 105.000 con; gia cầm: 1.308.570 con và đàn ong 10.250 đàn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 14.330 tấn, tăng 0,43% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác kiểm tra việc giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì (trong 9 tháng đầu năm kiểm soát giết mổ được 16.317 con gia súc, gia cầm các loại). Tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện không phát hiện ổ dịch bệnh trên động vật; tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký, triển khai tiêm phòng Viêm da nổi cục ở trâu, bò theo hướng xã hội hóa (tiêm phòng được 6.960 con (liều); tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc xin theo Nghị quyết số 89/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014 của HĐND tỉnh Sơn La; thực hiện phun vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường theo Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 29/6/2023, kết quả đạt 1.750 lít (3.500.000 m2) tại các xã, thị trấn và chợ đầu mối trong địa bàn huyện.

Tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng (trong 9 tháng đầu năm tổ chức được 145 cuộc, với 9.475 lượt người nghe và kỷ cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy với các chủ rừng). Thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, trong 9 tháng đầu năm xảy ra 37 vụ cháy rừng, trong đó: Số vụ cháy gây thiệt hại đến diện tích rừng là 19 vụ với diện tích rừng bị thiệt hại 85,127 ha; còn lại 18 vụ diện tích rừng bị ảnh hưởng 288,68 ha, riêng xã Nà Ớt là 192,06 ha. Tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2023, trong 09 tháng đầu năm đã tiến hành đo đạc, khảo sát đưa vào thiết kế 316,6 ha, trong đó: Tổ chức đo đạc, thiết kế trồng rừng phòng hộ 150 ha (tại 03 bản Huổi Pé, Cho Cong, Huổi Do xã Chiềng Nơi); trồng rừng sản xuất theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được 46,03 ha/82,60 ha, đạt 55,73% KH; tuyên truyền, vận động các hộ dân xã hội hóa trồng được 15 ha/50 ha rừng sản xuất, đạt 30% KH; trồng cây phân tán được 63.671 cây các loại. Tiếp tục chăm sóc diện tích rừng trồng và cây phân tán năm 2022 (457,4 ha rừng; 91.406 cây phân tán); triển khai thực hiện chủ trương "Bộ đội cùng nhân dân quyết tâm phủ xanh đất trống bằng trồng rừng, trồng cây phân tán đa mục tiêu"; Lễ phát động ra quân trồng cây đầu xuân, với tổng số cây phân tán trồng được trên địa bàn huyện là 1.741 cây (gồm cây đào, cây bơ, cây ban...).

Như Thuỷ

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1