Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp
(Sonla.gov.vn): Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2022 tăng trung bình 11,6%/năm. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp. Sản phẩm chế biến của tỉnh Sơn La đã được khẳng định và tin dùng tại thị trường trong nước cũng như tại một số nước trên thế giới.
anh tin bai

6 tháng đầu năm 2023 sản lượng Cà phê xuất khẩu đạt 15.300 tấn.

Về chế biến cà phê, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác diện tích cà phê hiện có. Đến nay diện tích cà phê toàn tỉnh là 19.289 ha, sản lượng ước đạt trên 31.000 tấn (cà phê nhân) trong đó có 18.429,5 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương; 02 vùng trồng cà phê được UBND tỉnh công nhận vùng trồng ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; Tăng cường các giải pháp xử lý môi trường đối với các cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình; các cơ sở đã đầu tư xây dựng các hồ chứa chất thải và bể biogas để thực hiện lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chế biến. Các cơ sở chế biến cà phê đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ phát triển cây trồng; thu hút đầu tư mới Nhà máy phân bón Sông Lam tại Mai Sơn chế biến phân bón từ bã, vỏ cà phê.

Tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp (đang lựa chọn nhà đầu tư cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ tại Thành phố) và thu hút các dự án chế biến cà phê vào trong khu, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư mới 01 nhà máy chế biến cà phê của Công ty CP chế biến cà phê Sơn La tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn với công suất 50.000 tấn quả tươi/năm. Tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt 500 tấn. Sản lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 15.300 tấn với giá trị tham gia xuất khẩu đạt 38,3 triệu USD; các thị trường chủ yếu gồm: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN.

Phát triển công nghiệp chế biến chè, 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh phát triển ổn định diện tích trồng chè, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thâm canh vùng nguyên liệu chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hỗ trợ xây dựng vùng chè ứng dụng công nghệ cao (Vùng sản xuất chè của Vinatea Mộc Châu). Tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở chế biến chè hiện có, nâng cấp, đổi mới công nghệ, đầu tư chế biến sâu và đa dạng sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị xuất khẩu. Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thu hút nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chè của Vinatea tại Mộc Châu. Từng bước phát triển các cơ sở chế biến chè thủ công mang tính truyền thống tạo ra sản phẩm chè đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Chè Tà Xùa, Shan tuyết... Sản phẩm Chè Mộc Châu - Vinatea Mộc Châu đạt thương hiệu chất lượng Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè sơ chế, chế biến đạt 4.500 tấn; Sản lượng chè tham gia xuất khẩu đạt 4.300 tấn, với giá trị hơn 10,52 triệu USD.

Đối với sản xuất đường, diện tích trồng mía ổn định, tăng cường thâm canh, ứng dụng giống mới để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng mía. Công ty CP mía đường Sơn La triển khai đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến đường ổn định 5.000 tấn mía/ngày, đồng thời tận dụng nguồn bã mía trong quá trình sản xuất đường làm nguyên liệu cho nhà máy điện sinh khối với công suất 9MW. Sản lượng đường 6 tháng đầu năm 2023 đạt 53.500 tấn. 6 tháng đầu năm, các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ giống mới để tăng năng suất. Chỉ đạo các nhà máy chế biến tinh bột sắn khắc phục các tồn tại, hạn chế, chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường. Sản lượng tinh bột sắn đạt 33.500 tấn; Sản lượng sắn tham gia xuất khẩu đạt 57.500 tấn (trong đó 33.500 tấn tinh bột sắn) với giá trị 22,87 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong triển khai các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với lợi thế của từng vùng, địa phương phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Lê Hồng

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1