(sonla.gov.vn) Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, tỉnh Sơn La đang sở hữu trên 84.700 ha cây ăn quả các loại và gần 150.000 ha diện tích trồng các loại nông sản chủ lực như ngô, lúa, cà phê... Tổng sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, tạo ra tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, để nông sản Sơn La không chỉ “được mùa mà còn được giá”, việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo chuẩn quốc tế đã trở thành chiến lược then chốt nhằm đưa nông sản địa phương vươn xa, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Mã số vùng trồng - “Tấm vé thông hành” cho nông sản
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, thị trường tiêu dùng ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất. Việc xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói không chỉ là yêu cầu bắt buộc của nhiều quốc gia nhập khẩu mà còn là một bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Sơn La trong lộ trình chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Sơn La đã sớm triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, coi đây là nền tảng để phát triển sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân để áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Hiệu quả từ những con số
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới 10 mã số vùng trồng, áp dụng cho các loại nông sản như măng bát độ, rau xanh, dâu tây, cà phê và lúa, với tổng diện tích hơn 177 ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất cấp mã số xuất khẩu cho 2 vùng trồng xoài với diện tích 25 ha, hướng đến các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc và Hàn Quốc. Đáng chú ý, đã ủy quyền sử dụng mã số xuất khẩu cho 5 vùng trồng các loại nông sản như xoài, chuối và mận hậu - những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh cạnh tranh của tỉnh.
Chế biến măng bát độ xuất khẩu.
Để đảm bảo chất lượng và duy trì uy tín cho nông sản Sơn La trên thị trường quốc tế, công tác giám sát, kiểm tra cũng được tăng cường. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang giám sát 211 vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh đã thu hồi 9 mã số vùng trồng do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói không đạt yêu cầu kỹ thuật, cho thấy sự nghiêm túc và minh bạch trong quản lý chất lượng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sơn La đang duy trì 213 mã số vùng trồng xuất khẩu cho các loại cây ăn quả, dâu tây, măng bát độ, cà phê..., xuất khẩu đi nhiều thị trường như: Trung Quốc, các nước Châu Âu và Châu Á. Toàn tỉnh cũng có 8 mã số cơ sở đóng gói nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sản phẩm sau thu hoạch được bảo quản, đóng gói theo đúng quy trình, giữ nguyên chất lượng khi đến tay người tiêu dùng quốc tế.
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Mỗi vùng trồng, mỗi lô sản phẩm đều có thể truy xuất nguồn gốc, ghi nhận thông tin về giống cây trồng, quy trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... qua phần mềm điện tử, tạo sự minh bạch và tin cậy với thị trường tiêu dùng.
Người dân thu hoạch mận hậu.
Sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp và sự đồng hành của các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân đang tạo nên một hệ sinh thái sản xuất nông sản an toàn, bền vững và hướng tới xuất khẩu. Đây chính là chìa khóa để nâng tầm giá trị nông sản Sơn La, giúp sản phẩm nông sản địa phương không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa mà còn tự tin chinh phục thị trường toàn cầu.
Trong thời gian tới, Sơn La tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và hợp tác xã; đầu tư công nghệ sau thu hoạch; mở rộng liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu và cập nhật thường xuyên yêu cầu từ các thị trường quốc tế để duy trì và mở rộng hệ thống mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cơ hội để Sơn La khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao của cả nước.
Quốc Tuấn