(sonla.gov.vn) Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa phương thức tiêu thụ là một trong những nội dung quan trọng để đạt được mục tiêu giá trị xuất khẩu đã đề ra trong năm 2025 của tỉnh Sơn La.
Để đạt được tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2025 đạt 215 triệu USD, tăng 8,35% so với năm 2024. Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 208 triệu USD, tăng 9,22% so với năm 2024 cần nâng cao nhận thức, kỹ năng về thương mại điện tử. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2025, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng an tâm tham gia giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử…

Sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ Thương mại giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La tại thị trường trong nước.
Để đạt được những mục đích nêu trên, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; trong đó, tổ chức khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; tổ chức nghiên cứu thị trường, cập nhật định kỳ cơ sở dữ liệu về các giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn.
Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách có liên quan thương mại điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử về xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ; triển khai công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý nhà nước về thuế trong thương mại điện tử.
Trong nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử, ngành công thương giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Sở Công thương tỉnh chủ động tìm kiếm, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có đủ năng lực thực hiện việc thông tin, đánh giá, dự báo thị trường xuất khẩu hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực. Tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực về hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai tổ chức các chương trình tuần hàng, tuần lễ sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh. Tổ chức và tham gia các hoạt động kết nối giao thương trong và ngoài nước hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với sở, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các chương trình: Tuần hàng, tuần lễ quảng bá, hội chợ thương mại giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La tại thị trường trong nước. Chủ trì hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của tỉnh tại các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm thương mại trong nước. Làm việc với cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh các sản phẩm của tỉnh Sơn La. Tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực về: tổ chức lớp tập huấn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và Livestream bán hàng trực tuyến.
Có thể thấy rằng trong những năm gần đây, mô hình kinh doanh thay đổi nhanh với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân công cũng như dịch vụ bán hàng; doanh nghiệp cũng tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch thương mại điện tử không giới hạn đối với khách hàng với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng tối đa mọi nguồn lực.
Nguyễn Hạnh