(sonla.gov.vn) Với bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng thị trường, tỉnh Sơn La đang vươn mình trở thành thủ phủ cây ăn quả của miền Bắc. Thành tựu này không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương mà còn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn có cuộc sống ngày càng no ấm, bền vững.
Bước đại nhảy vọt về diện tích và sản lượng
Trong giai đoạn 2016 - 2025, tỉnh Sơn La đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ nông nghiệp cả nước khi chuyển đổi và trồng mới gần 62.000 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích lên 85.000 ha - lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai toàn quốc. Sản lượng cây ăn quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương.
Giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả hiện đạt từ 150 đến 300 triệu đồng/năm, thậm chí có mô hình tiêu biểu đạt tới 400-500 triệu đồng/ha - tăng gấp từ 4 đến 10 lần so với năm 2016. Đây là con số biết nói, phản ánh hiệu quả rõ nét từ định hướng đúng đắn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường.
Chuỗi giá trị ngày càng hoàn thiện, công nghệ được ưu tiên ứng dụng
Từ một tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, Sơn La đã từng bước xây dựng được hệ sinh thái sản xuất cây ăn quả quy mô và bài bản. Tính đến nay, tỉnh đã hình thành 201 chuỗi giá trị quả với tổng diện tích trên 4.500 ha; 335 doanh nghiệp và HTX tham gia trồng cây ăn quả trên gần 9.400 ha đất canh tác.
Từ cây ăn quả, người dân có thu nhập ổn định.
Đặc biệt, địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp: 2.200 ha được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, hơn 4.750 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Sơn La cũng là tỉnh tiên phong trong việc cấp mã số vùng trồng (218 mã), xây dựng thương hiệu cho nông sản với 31 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 14 sản phẩm quả.
8 vùng ứng dụng công nghệ cao, 59 sản phẩm OCOP chế biến từ quả… là minh chứng rõ nét cho tư duy phát triển nông nghiệp hiện đại, gắn sản xuất với tiêu chuẩn chất lượng và nhu cầu thị trường.
Vươn xa thị trường quốc tế - mở rộng cánh cửa hội nhập
Không dừng lại ở thị trường nội địa, Sơn La đang khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, các loại quả đặc sản như xoài, nhãn, mận hậu, bơ, chanh leo… đã được xuất khẩu tới 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản lượng trên 158.000 tấn. Đây là kết quả của quá trình đầu tư bài bản vào công tác xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu nông sản.
Cùng với đó, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến - khâu then chốt giúp nâng cao giá trị gia tăng. Hiện toàn tỉnh có 560 cơ sở chế biến nông sản, trong đó 17 nhà máy quy mô lớn, gần 3.000 cơ sở sấy long nhãn và 40 kho lạnh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp chế biến quả.
Hướng tới phát triển bền vững - gắn kết nông nghiệp với du lịch, logistics, thương mại điện tử
Những năm tới, Sơn La xác định phát triển cây ăn quả không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là động lực cho phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu tập trung, ứng dụng chuyển đổi số, cơ giới hóa đồng bộ và đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc. Các chương trình cấp mã số vùng trồng, xây dựng vùng quả an toàn, nâng cao năng lực logistics, bảo quản và chế biến sẽ được ưu tiên.
Đặc biệt, tỉnh đang định hướng gắn sản xuất cây ăn quả với phát triển du lịch sinh thái, tạo ra không gian trải nghiệm nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa. Đây là hướng đi đầy tiềm năng, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn lan tỏa hình ảnh Sơn La - vùng đất của những mùa quả ngọt.
Đòn bẩy cho sự no ấm và thịnh vượng vùng cao
Thành quả từ phát triển cây ăn quả đã góp phần cải thiện rõ rệt thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ trước đây sống chủ yếu bằng trồng ngô, sắn nay đã chuyển sang trồng cây ăn quả, có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp, cùng chính sách hỗ trợ từ chính quyền đã giúp người dân không chỉ làm nông mà còn biết kinh doanh, làm chủ sản phẩm của mình.
Với tầm nhìn chiến lược, sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Sơn La đang viết nên câu chuyện thành công về phát triển cây ăn quả từ vùng đất khó vươn lên thành thủ phủ trái cây của miền Bắc. Đây không chỉ là thành quả về nông nghiệp, mà còn là minh chứng sống động cho sự đổi thay trong đời sống, kinh tế và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến một tương lai no ấm, bền vững và thịnh vượng.
Quốc Tuấn