Sơn La quyết liệt khoanh vùng, dập dịch tả lợn Châu Phi, hướng tới chăn nuôi an toàn, bền vững
(sonla.gov.vn) Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp tại tỉnh Sơn La, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Toàn tỉnh đã ghi nhận 30 ổ dịch tại 18 xã, phường, buộc phải tiêu hủy gần 40 tấn lợn mắc bệnh. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hai ổ dịch chưa qua 21 ngày tại phường Chiềng Cơi (TP. Sơn La) và xã Yên Châu (huyện Yên Châu).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch, khoanh vùng dập dịch nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ ngành chăn nuôi.

Tại xã Yên Châu, ổ dịch mới nhất được ghi nhận tại bản Búng Mo, ảnh hưởng đến 2 hộ chăn nuôi, buộc tiêu hủy 54 con lợn với tổng trọng lượng gần 2 tấn. Hiện, toàn xã có hơn 13.000 con lợn nằm trong vùng uy hiếp. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng công bố dịch, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và đội phản ứng nhanh; đồng thời thiết lập chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn ra - vào khu vực có dịch.

anh tin bai
Các lực lượng chức năng tiêu hủy số lợn bị dịch tả lợn Châu Phi.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La cũng đang tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường các biện pháp tăng cường kiểm dịch, giám sát giết mổ, phối hợp cùng lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn trái phép. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc các địa phương phòng, chống dịch, đồng thời cấp 246 lít hóa chất để vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các điểm có nguy cơ cao, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục bùng phát trên diện rộng vẫn tiềm ẩn do thời tiết, môi trường và hoạt động vận chuyển khó kiểm soát. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La khuyến cáo người dân cần tăng cường công tác chăm sóc, giám sát đàn lợn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng định kỳ. Khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để được xử lý kịp thời.

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh là cơ sở quan trọng để đảm bảo an toàn dịch tễ, góp phần tái đàn và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bền vững tại khu vực nông thôn Tây Bắc.

Quốc Tuấn

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1