Tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng
(sonla.gov.vn) Trong tháng 9/2024, công tác tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm được triển khai với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần từng bước nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Trong tháng 9/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 03 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn nâng tổng số chuỗi hiện có lên 288 chuỗi, trong đó: 39 chuỗi rau an toàn; 178 chuỗi quả an toàn; 05 chuỗi cà phê; 10 chuỗi chè; 02 chuỗi gạo; 05 chuỗi thịt lợn; 03 chuỗi thịt gà an toàn; 07 chuỗi mật ong an toàn; 21 chuỗi thủy sản; 02 chuỗi thịt hun khói; 13 chuỗi chế biến nông sản, thủy sản an toàn; 02 chuỗi kinh doanh nông sản; 01 chuỗi Đông trùng hạ thảo.

anh tin bai
Toàn tỉnh hiện có 02 chuỗi gạo an toàn.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 101 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực, cụ thể: 99 cơ sở trồng trọt (rau, củ, cây ăn quả, chè, cà phê) với tổng diện tích 2.229,59 ha, sản lượng 38.8437,56 tấn/năm; 01 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm với quy mô 30 lồng nuôi cá, sản lượng 100 tấn/năm; 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô 30.000 con, sản lượng 45 tấn. Hiện nay, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, bao bì, tem nhãn, giới thiệu quảng bá xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư chế biến nông sản cho năm 2024.

Công tác hỗ trợ quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì 216 mã số vùng trồng, trong đó: 205 mã số vùng trồng xuất khẩu; 11 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt, với tổng diện tích 3.158,00 ha. Cơ sở đóng gói nông sản đang duy trì 11 mã số, các sản phẩm đóng gói gồm: nhãn, xoài, mắc ca, chanh leo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bảo hộ các sản phẩm nông sản được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện.

Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, đến nay đã có Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu được cấp chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 11041:2-2017 với diện tích 5 ha, sản lượng 145 tấn/năm. Hợp tác xã Nông nghiệp Quang Huy, xã Quang Huy, huyện Phù Yên được chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ 11041-1:2017; 11041-5:2018 với diện tích 130 ha, sản lượng 1.720 tấn/năm. Công ty cổ phần chè Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La được đánh giá và xác nhận phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 11041 1:2017 với diện tích 23,24 ha, sản lượng 135 tấn/năm.

Công tác tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm được triển khai với nhiều giải pháp sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ở các cấp, các ngành; tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. Nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiêu dùng trong nước, quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Lê Hồng

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1