Cà phê Sơn La bước vào thu hoạch niên vụ 2024
(sonla.gov.vn) Sản phẩm cà phê Sơn La niên vụ năm 2024 đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Để chuẩn bị tốt cho vụ thu hoạch, sản xuất cà phê, nhân dân đã tập trung chăm sóc cây cà phê và chuẩn bị các điều kiện thu hoạch; các nhà máy đang thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp dây chuyền chế biến.
anh tin bai
Cà phê Sơn La bắt đầu bước vào vụ thu hoạch.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 21.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố, sản lượng ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân/năm, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích cà phê được cấp các chứng nhận bền vững (RA, 4C, VietGAP) và tương đương trên 19.100 ha; có trên 1.120 ha cà phê đặc sản; có 2 vùng sản xuất cà phê được UBND tỉnh cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.... Niên vụ năm 2024, do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, sản lượng cà phê Sơn La năm nay giảm, nhưng được giá. Nhu cầu thị trường thế giới, đặc biệt các nước EU, Mỹ, Nhật Bản về cà phê Arabica chất lượng cao, cà phê đặc sản rất cao, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Thực hiện mục tiêu, giai đoạn 2023 - 2025, giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đến năm 2025, toàn tỉnh tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; xuất khẩu 25.000 tấn cà phê nhân/năm; giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 100 triệu USD... tạo việc làm, ổn định thu nhập cho trên 18.000 hộ trồng cà phê. Bảo vệ môi trường nước, không khí trong vùng trồng, sơ chế, chế biến cà phê, được đề ra tại Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tái canh cà phê già cỗi bằng giống cà phê THA1, TN1, TN2, TN6, TN7.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác; liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê. Mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, tỉnh có trên 19.000 ha cà phê được cấp các chứng nhận; UBND tỉnh đã cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho 2 vùng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn, quy mô 1.000 ha cà phê của 1.560 hộ gia đình. Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho 7 doanh nghiệp, hợp tác xã và đã xuất khẩu đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

anh tin bai
Nông dân phấn khởi bước vào thu hoạch cà phê niên vụ năm 2024.

Để chuẩn bị cho việc thu mua, chế biến cà phê niên vụ mới, các nhà máy sản xuất cà phê lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cà phê Minh Tiến; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế; Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La; Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy; HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh; HTX Cà phê Bích Thao; HTX Ara-Tay Coffee; Công ty cổ phần Chế biến Cà phê Sơn La đã đầu tư một số thiết bị chuyên sâu, gia tăng công suất hiện có. Hiện các cơ sở đảm bảo thu mua, sơ chế, chế biến 50% sản lượng cà phê quả tươi của tỉnh. Lượng còn lại được chế biến nhỏ, phân tán trong các hộ dân thông qua phương pháp chế biến ướt, nửa ướt, lên men, honey (mật ong).

Hiện giá cà phê Arabica tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đang giao động từ 11-15 nghìn đồng/kg quả tươi. Từ cuối năm 2023 đến nay, giá cà phê trên thế giới có xu hướng cao, kéo theo cà phê trong nước tăng mạnh, ổn định trong khoảng 120.000 đồng/kg, gấp 3 lần mức trung bình nhiều năm. Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam, giá cà phê từ nay đến cuối năm 2024 tương đối ổn định.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, thích ứng với các quy định sản xuất không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La và khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.

Lê Hồng

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1