Huyện Thuận Châu phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
(sonla.gov.vn) Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn. Năm 2024, Huyện Thuận Châu Tiếp tục duy trì, xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của huyện thông qua đổi mới tổ chức sản xuất và phương thức quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. 
anh tin bai

Huyện Thuận Châu phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Năm 2023, hoạt động sản xuất nông trên địa bàn huyện Thuận Châu tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu về trồng trọt, chăn nuôi đạt và vượt kế hoạch, như: Trồng mới rừng, cây cà phê, đàn gia cầm, sản lượng chè, thịt hơi xuất chuồng... Trong năm, huyện có thêm 4 sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, duy trì 8 chuỗi liên kết phát triển sản phẩm, 26 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, 10 mã số vùng trồng, với 182 ha, nâng tổng diện tích được cấp chứng nhận VietGAP lên hơn 600 ha; 11 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Duy trì 8 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng ngành. Phấn đấu diện tích cây chè đạt 1.398 ha, cà phê 5.981 ha, cây ăn quả 4.389 ha. Duy trì, củng cố 31 chuỗi cung ứng nông sản an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương, áp dụng giống mới có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ 03 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất an toàn tập trung áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được tổ chức chứng nhận thẩm định, cấp Giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn được cấp Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản thế mạnh của huyện. Hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, phát triển thị trường sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn: Hỗ trợ xây dựng các phóng sự, chuyên mục, tin, bài, clip tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản; tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, triển lãm, tuần hàng, hội nghị, hội thảo kết nối giao thương…

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm như: Hỗ trợ các hợp tác xã thuê các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội trợ, triển lãm, tuần hàng, hội nghị, hội thảo kết nối giao thương…; tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn mua bao bì đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ; trưng bày sản phẩm nông sản tại các hội nghị, sự kiện do UBND tỉnh và UBND các huyện bạn tổ chức; trưng bày sản phẩm tại hội trợ, tuần hàng nông sản an toàn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố tổ chức.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đối với toàn bộ các sản phẩm của chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp, bảo đảm an toàn thực phẩm. Kiểm tra, đánh giá cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo quy định.

Hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; thiết kế, in ấn bao bì, tem nhãn nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu nông sản an toàn, hướng dẫn cách nhận diện sản phẩm của các chuỗi thực phẩm an toàn. Tham gia các hội nghị, hội chợ, tuần hàng, hội thảo trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của chuỗi thực phẩm an toàn tới thị trường. Tham gia các sàn giao dịch mua bán sản phẩm nông sản an toàn, giới thiệu địa chỉ bán các sản phẩm từ các chuỗi để người tiêu dùng tiếp cận lựa chọn sản phẩm.

Đưa các giống mới, chất lượng cao vào sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Duy trì, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc thù của huyện đang có nguy cơ thoái hóa. Hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới (ứng dụng công nghệ cao, nhà lưới, tưới nhỏ giọt…) theo hướng cơ giới hóa để sản xuất, chế biến sản phẩm bảo đảm về năng xuất, chất lượng, đa dạng về sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Lê Hồng

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1