Sơn La Ký sự - Bài 52: Chuyện tình ở Chiềng Ly
Với nghìn năm lịch sử, bản Mường Chiềng Ly là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của 18 Châu Mường Tây Bắc….đã để lại nhiều giai thoại về các mối tình khá cảm động

'Ngắm họt Mường Muỗi

Nhớ về Châu Thuận'.

1) Mối tình thứ nhất: Khun Lú - Nàng Ủa.

Thuở đó, Then (chúa tể của Mường Trời) sinh hạ được một nàng công chúa đặt tên là Cong Péng. Lớn lên Nàng xinh đẹp và thông minh hơn người. Trên Mường Trời chẳng có ai xứng làm chồng Nàng. Duy nhất chỉ có Then (cha) là xứng đáng. Nhưng luật đời không thể loạn luân. Vì vậy Then gọi nàng đến cho xuống trần gian làm người, hẹn 23 năm sau sẽ trở về trời.

Dưới trần gian khi đó có Phìa Chiềng Ly, quyền uy lừng lẫy, sinh được 2 quý nữ đào tơ.

'Cắm xôm, chị khiến trăng mờ

Nàng em Ngân Liếng, cá ngơ ngẩn nhìn'

Một hôm, khi 'hè đã sang Ban tàn rừng biếc/ muôn loài ve tha thiết kêu ran/ mưa rào tràn ruộng bậc thang/ nắng oi đã gọi 2 nàng ra sông/ tuột váy áo vẫy vùng sông nước/ Phô tấm thân ngà ngọc dưới trời/ Từ trời, trời ngắm trời coi: eo như tiên cá, 2 chồi như hoa/ Trời thầm tính: ta đà có cách/ gửi con ta vào quách 2 nàng…' Thế là công chúa Cong Péng được biến thành một quả sung chín mọng và thơm phức trôi đến 2 nàng đang tắm; 2 chị em bắt lấy và chia nhau ăn

Nàng Ngân Liếng ăn liền mát dạ

Nằng Cắm Xôm nuốt cả ngọt thơm

Thấy người khoan khoái râm ran

Chừng như phép lạ mê man động tình.

Từ đó 2 chị em đều có thai mặc dù chưa hề chung sống với ai cả. Hai cô nàng đều rất đau buồn và hổ thẹn! Thế rồi cha (Phìa Chiềng Ly) nhờ uy thế nên vẫn tìm được chồng cho 2 nàng.

Chồng Cắm Xôm là Khum Pâng

Chồng Ngân Liếng là Khun Bái.

9 tháng 10 ngày: Cô chị sinh được chàng Khun Lú, cô em sinh ra Nàng Ủa, cùng sinh ra lớn lên ở trong dinh thự ông bà ngoại ở Chiềng Ly. Trước đó 2 chị em (2 mẹ ) đã từng thề bồi:

Ta cùng chịu phép trời biến hóa

Sinh gái trai sẽ gả cho nhau

Cho chung một Mệnh khổ đau

Cùng là gái: gả trước sau một chồng.

Hết thời hạn ở rể, ông Phìa Chiềng Ly cho Khun Bái đem vợ và con (Nàng Ủa) về quê sinh sống.

Hai trẻ sinh ra lớn lên ở bên nhau, vốn có duyên trời nên yêu nhau tha thiết, 2 mẹ cùng vun vén hùn vào…Nay xa cách rất chi là thương nhớ; Rồi nhiều lần tìm cách thăm nhau, mối tình ngày một bền chặt. Nhưng rồi 'thấm thoát' qua nhiều năm nhiều tết…ông tạo Bái dứt khoát theo 'Luật Mường' đã gả Nàng Ửa cho Khun Trai….và gia đình chàng Lú cũng ép chàng phải lấy Nàng Mành (Méng)... Kết cục là Nàng Ủa và Khun Lú quyên sinh chết vì người tình như đã ước hẹn. Hồn 2 người biến thành 2 ngôi sao Khun Lú - Nàng Ủa (Sao Hôm, Sao Mai) bị trời chắn 1 bức phên ngăn cách chỉ được nhìn thấy nhau chứ không được gặp nhau; và đúng như trời định: 23 năm sau, hồn Ủa về gặp Then, Then liền lấy làm vợ (con gái mình đã đầu thai sang kiếp khác để khỏi vi phạm Luật trời - Trời cũng khéo biến hóa là vậy). Chàng Lú và Nàng Ủa chỉ còn là:

Đứng xa cách đôi bên cùng liếc

Lệ đưa tình thảm thiết đắng cay

Đất không thương, trời lại đầy

Tình chung cũng chỉ khóc hoài mà thôi

Chàng lẩn khuất mây trời vạn kiếp

Nỗi nhớ thương biền biệt không gian.

2. Mối tình thứ 2: Tình chàng thi sĩ.

Thầy giáo trẻ Trần Lê Văn (sinh 1920, quê Vị Xuyên - Nam Định) năm 1943 được Nhà nước Bảo hộ (Thực dân Pháp) cử lên dạy Tiểu học ở Chiềng Ly, được bố trí ở 1 gia đình người Thái họ Bạc (Bạc Cầm, Cầm Văn… thuộc tầng lớp quý tộc Thái - sau này 1946 - 1953 tỉnh trưởng Sơn La thuộc Pháp là Bạc Cầm Qúy).

Thời trước năm 1945 ở xứ Thái (Sơn La) này quan đầu tỉnh là công sứ người Pháp (tên Tây lai Cousseau - rất gian ác: vợ hắn người Việt, con nhà giàu, do Bố mẹ giúp hắn 'chạy' được cái hàm 'Hồng lô tự thiếu khanh' (trật Chánh Ngũ phẩm) của Triều đình Huế - đó là 1 con cáo già trong giới quan cai trị của thực dân Pháp ở Sơn La thời đó).

Con gái rượu của chủ nhà là cô Bạc Thị Nâu, cũng là học sinh của Thầy Văn. Chàng trai Thành Nam 23 tuổi, có tâm hồn thi sĩ ở cận kề cô Nàng tuổi cập kê 'trai chằm nhinh báu đi' (trai gần gái không tốt)- thế là 1 mối tình trai gái thầm lặng bốc lửa. Khi mẹ Nàng phát hiện ra con gái mình 'đầu mày cuối mắt' với thầy giáo Văn thì bà tuyên bố như dao chém đá 'cho dù chúng nó 'yêu' to bằng trái núi cũng không gả'- mối tình Thái Kinh/ ngược xuôi quả là trắc trở… Nhưng may thay: Vừa lúc ấy, Việt Minh nổi lên, bọn thống trị thực dân Pháp và bè lũ tay sai chạy bán xới lên Lai Châu rồi sang Vân Nam (Trung Quốc - đang là thời chính quyền của Quốc dân Đảng - Tưởng Giới Thạch), anh giáo trẻ Trần Lê Văn trở thành cán bộ giáo dục của chính quyền cách mạng tỉnh Sơn La, mối tình Trần Lê Văn - Bạc Thị Nâu xem ra thuận buồm xuôi gió thì tình thế lại xảy ra vào lúc ngặt nghèo: một cánh quân Pháp tràn từ Vân Nam xuống nhằm chiếm lại 18 châu Mường Xứ Thái. Thế là một đám cưới gấp (đám cưới tình thế): chỉ có nhà gái với chú rể (cùng đại diện đoàn thể Việt Minh) thật đúng như nhà thơ đã ghi lại:

Tháng hai sườn núi trăng ngơ ngác

Đám cưới hiu buồn một giác mơ.

Lý do làm chàng buồn vì

Cả họ nhà trai có chú rể

Anh lính tiền tuyến làm ông tơ.

Thế rồi 'Nàng theo chàng về Dinh', rồi đi qua 2 cuộc kháng chiến…cô gái Thái ở Bản Chiềng Ly (Thuận Châu) luôn là người vợ hiền thục của nhà thơ Trần Lê Văn (thường trú ở Thủ Đô cho tới ngày đầu bạc, răng long).

3. Mối tình thứ 3: Tình chàng họa sĩ.

Họa sĩ Kiều Minh (sinh 1938 - quê Hà Nội). Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội lên công tác ở Sở văn hóa khu tự trị Thái Mèo, đóng ở bản Chiềng Ly (thủ phủ)…cô Bạc Thị Nguyệt (cháu gái bà Bạc Thị Nâu) lúc này là 'cô Văn Công' - đoàn văn công khu Tây Bắc: xinh đẹp, hát hay, múa dẻo đã lọt vào tầm mắt của chàng trai Họa sĩ Hà thành. Thời điểm này: cách mạng đến, xóa bỏ chế độ Phìa Tạo…làm thay đổi mọi cách sống và nếp nghĩ, sự hòa hợp đoàn kết dân tộc có nhiều sự tiến bộ, đã có nhiều cuộc hôn nhân Kinh - Thái, nên việc nên vợ nên chồng của đôi bạn Minh - Nguyệt không có gì trở ngại. Năm 1975, sau khi giải thể khu tự trị Tây Bắc: họa sĩ Kiều Minh được chuyển về Bộ văn hóa, 1984 NK tôi cũng được chuyển về Hà Nội, đến thăm 2 bạn, xúc động hạ bút viết bài thơ.

BẢN CHIỀNG LY

Bản Chiềng Ly chưa đi đã nhớ,

Phố chênh vênh bên núi bên hồ;

Gái bản từ lâu quen chợ búa

Trai Thuận Châu bao bạn nằm mơ.

Người Chiềng Ly hay đi đây đó,

Mùa hoa Ban về dự hội Làng;

Quả còn lửa bay ngang trời phố nhỏ,

Trái tim hồng thiếu nữ đón xuân sang.

Tôi say đắm yêu cô Nàng như thế.

Cha mẹ thương cho về ở Kinh Kỳ;

Không ở rể mà vẫn là rể quý

Để mỗi năm lại lên tết Chiềng Ly.

NK

Bài thơ NK viết lúc đến thăm 2 bạn Minh - Nguyệt ở Hà Nội, được viết lại hoàn chỉnh ở Chiềng Ly (Thuận Châu) hồi 1993 - bài thơ 'Bản Chiềng Ly' được nxb giáo dục in vào Tuyển tập Văn học Dân tộc miền núi - 1999.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên tăm đắc với 2 chữ 'chênh vênh' của phố Thuận Châu nên con người Chiềng Ly cũng chênh vênh cùng đất, phải đi đây đi đó nhưng sự ra đi ấy không phải là 'ly' (biệt) mà bởi vì mảnh đất có nhiều níu kéo…Thơ NK có một chút gì bảng lảng của khói lam chiều trên nhà sàn Tây Bắc, của nắng nhạt trải thảm cao nguyên mang dấu ấn hào hoa Kinh Bắc.

Với NK thì sợi chỉ đỏ (thông điệp) của bài thơ nằm ở 2 câu:

…. Cha mẹ thương cho về ở Kinh Kỳ;

Không ở rể mà vẫn là rể quý

Là nói lên cái thành quả của cuộc cách mạng dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội: đã xóa đi được cái thành kiến phân biệt xuôi/ ngược (Kinh, Thái…) Không phải ở rể như thời chế độ Phía Tạo, mọi dân tộc anh em đều có thể trở thành dâu rể trong gia đình Đại Việt: 'Để mỗi năm lại lên tết Chiềng Ly' thăm lại Bản cũ Mường xưa.

LỜI CUỐI SÁCH

'Sơn La ký sự' gồm 52 bài tùy bút, hồi ức, thơ, sưu tầm, ghi chép về xứ Thái một thời NK đã sống, nhằm để con cháu, bạn bè, ai đó đọc xong 'ờ Sơn La, người Thái nó là như thế…' để thêm yêu cái xứ sở 'Sơn La âm u núi khuất trong sương mù' rồi 'nước Sơn La, ma Hòa Bình' ngày xưa nó bí ẩn, lạ lẫm, đáng sợ làm sao?

Năm 1962 (vừa tái lập tỉnh) Sơn La mới có 18 vạn dân, chủ yếu là người Thái, sau 1975, nhất là sau 1986 người xuôi (Thái Bình, Hưng Yên…) lên ồ ạt, đến nay 2009 dân số toàn tỉnh 10.080.641 trong đó dân tộc Thái trên 48 vạn người.

Mọi phong tục tập quán kể cả tiếng nói chữ viết Thái đang bị 'hòa nhập' hòa tan, bị lai ghép đã dần mai một. SOS là thế…

Để kết cuốn sách này, có lẽ hay hơn là nhờ Chế Lan Viên nói hộ:

'Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!'

Góc thành nam Hà Nội 26.5.2012

NGUYỄN KHÔI

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1