Tỉnh Sơn La thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững
Trong những năm qua, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, Tỉnh luôn quan tâm tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, tạo mọi điều kiện để giảm nghèo toàn diện và bền vững. Chương trình giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp quan tâm tập trung chỉ đạo. Hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp ngày càng được củng cố, nâng cao chất lượng, có trình độ nghiệp vụ, có tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Người nghèo, hộ nghèo ngày càng có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết học hỏi cách làm ăn, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn.

Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới, có diện tích tự nhiên hơn 14.100 km2, dân số hơn 1,2 triệu người gồm 12 dân tộc trong đó dân tộc thiểu số chiếm 83,51% dân số, có 12 huyện, thành phố, 204 xã, phường, thị trấn, 2.509 tổ, bản, tiểu khu. Tỉnh có 274km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước CHDCND Lào, địa hình nhiều đồi núi hiểm trở, chia cắt, phân hóa phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn. Thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đầu năm 2016 là 34,44% (92.774 hộ); đến cuối năm 2020 giảm còn 18,38% (53.387 hộ). Hiện, tỉnh có 04 huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 23,4%.

Thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình, chính sách giảm nghèo, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hoàn thiện, mang tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển.

Mạng lưới giao thông không ngừng được được cải thiện, cứng hóa thêm đường ô tô đến trung tâm các xã, nâng tỷ lệ xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa lên 96,57% (197 xã); 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 97,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Diện mạo khu vực nông thôn thay đổi nhanh, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực; toàn tỉnh có 49/188 xã hoàn thành nông thôn mới; 03 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; 50% trường học đạt chuẩn quốc gia đạt; 87% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam đạt 93,5%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch phù hợp, sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, áp dụng ngày càng phổ biến. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Lâm nghiệp phát triển bền vững, tổ chức quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện còn; rừng đặc dụng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,4%.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, sự quản lý và điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực để lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Lê Hồng

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1