Tăng cường các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai
Thời gian qua, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN tỉnh) và các ngành, các cấp địa phương phát huy năng lực, nâng cao trách nhiệm hoạt động có hiệu quả, triển khai kịp thời những nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nắm bắt tình hình cụ thể diễn biến thiên tai tác động tại địa phương, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp và kinh nghiệm tổ chức, phối hợp kiểm tra, chỉ đạo kịp thời và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Năm 2021, xuất hiện 9 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 4 cơn bão (bão số 2, 3, 7, 8) và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết khu vực tỉnh Sơn La gây ra các đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Trong năm 2021, tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng của 02 đợt gió mùa Đông Bắc và 15 đợt không khí lạnh tăng cường, trong đó xảy ra 03 đợt rét đậm, rét hại vào tháng 1/2021. Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối quan trắc được tại Pha Đin -4oC; 04 đợt gió lốc, mưa đá; 06 đợt nắng nóng diện rộng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối các nơi phổ biến 36,3 - 41,2oC (Mường La 42,6oC, Vạn Yên 42,4oC).

Thiên tai năm 2021 đã làm 04 người chết 01 người bị thương; 2.709 nhà bị thiệt hại (trong đó 13 nhà thiệt hại hoàn toàn; 263 nhà thiệt hại từ 50% - 70%; 79 nhà thiệt hại từ 30% - 50%; 2.325 nhà thiệt hại một phần dưới 30%; 29 nhà phải di dời khẩn cấp); 251 ha lúa; 834 ha hoa màu và rau màu bị hư hại; diện tích cây ăn quả bị thiệt hại 246 ha; 484 con gia súc, 404 con gia cầm bị chết; sạt lở 13.557m đường giao thông; sụt lở sa bồi 309.736 m3, hư hỏng 166 cầu, cống giao thông; 01 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng hư hỏng một số hạng mục, 39 phai tạm bị cuốn trôi; 16 điểm trường học bị thiệt hại; 231 cột điện bị nghiêng, gẫy đổ. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021 ước tính: 193,75 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra các huyện, thành phố đã tập trung lực lượng tìm kiếm người dân bị mất tích, đưa người bị thương đi cứu chữa; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tạm thời các hộ gia đình bị thiệt hại; Huy động lực lượng giúp các hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, ngập lụt di dời tài sản, sửa lại nhà cửa, dọn vệ sinh, ổn định cuộc sống; di chuyển các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao, bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thường xuyên phối hợp với các sở, ngành tổ chức triển khai kiểm tra công tác PCTT trên địa bàn 12/12 huyện, thành phố; rà soát các công trình trọng điểm, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa lũ. Tăng cường chỉ đạo các chủ công trình hồ đập thủy điện tổ chức rà soát quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thuỷ lợi. Tiếp tục triển khai công tác rà soát, cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao rủi ro thiên tai tại khu vực dễ bị ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực sụt lún, sạt lở bờ sông, suối. Toàn tỉnh hiện có 342 biển cảnh báo.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được chú trọng: Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp xây dựng và phát sóng chuyên mục Tuyên truyền về công tác PCTT&TKCN năm 2021 trên sóng Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Sơn La; đăng tin bài trên Báo Sơn La, trang chuyên đề và tuyên truyền trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam. Các nội dung thể hiện dưới dạng tin, bài, chuyên mục, phát sóng bằng Tiếng Việt trên các Hệ phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam và 03 chương trình Phát thanh tiếng dân tộc: Tiếng Thái, Mông, Dao trên hệ phát thanh VOV4; VOV1 của Đài tiếng nói Việt Nam; Vận hành Website “Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La”, trang Facebook, zalo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN đăng thông tin cảnh báo, kỹ năng, kiến thức phòng tránh thiên tai. Tổ chức tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng, nâng cao nhận thức cộng đồng và nâng cao năng lực hoạt động của Đội xung kích Phòng chống thiên tai cấp xã.

Công tác trực ban được thực hiện nghiêm túc, thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ban hành quy chế trực ban, các đơn vị thực hiện có bảng phân công trực ban rõ ràng, theo quy định. Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ: theo dõi diễn biến thiên tai; tiếp nhận chỉ thị mệnh lệnh, thông báo của cấp trên và truyền đạt kịp thời xuống cấp dưới; tham mưu trong việc tổ chức phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý sự cố công trình; tổng hợp tình hình báo cáo cấp trên theo định kỳ và sau kết thúc mỗi đợt thiên tai hoặc yêu cầu đột xuất của cấp trên.

Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh kịp thời triển khai thực hiện những nội dung chỉ đạo, các công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ ngành. Phối hợp với Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Sơn La, hoạt động có hiệu quả trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Triển khai các thông tin cảnh báo qua zalo, facbook... đến các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và Ban chỉ huy các huyện, thành phố. Tiến hành rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, chủ động phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện, vật tư, hàng hóa, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN. Thống kê, tổng hợp các phương tiện, thiết bị của hộ gia đình, doanh nghiệp để huy động khi cần thiết. Trong mùa mưa lũ phân công rõ nhiệm vụ đến cấp xã và trưởng bản để theo dõi diễn biến mưa, lũ tổ chức kiểm tra, chỉ đạo ứng phó thiên tai.

Hiện nay, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang triển khai thực hiện lập quy hoạch. Các ngành và địa phương căn cứ vào loại hình rủi ro do thiên tai, rà soát, phân vùng rủi ro thiên tai ứng với mỗi loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai để lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch tỉnh. Công tác Quy hoạch xây dựng tổng thể được định hướng trước làm cơ sở để kế hoạch hóa đầu tư xây dựng, thu hút các nguồn lực đầu tư như Quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch đô thị, quy hoạch phòng chống thiên tai và quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư. Đến nay 100% đô thị được rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2025; hoàn thành lập quy hoạch xây dựng 188/188 xã nông thôn mới.

Như Thuỷ

 

Video tuyên truyền
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1