Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao đời sống người dân vùng cao
(sonla.gov.vn) Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, qua đó tạo ra nguồn thu bền vững từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn lá phổi xanh cho Tây Bắc, nguồn thu này còn trực tiếp cải thiện đời sống người dân, nhất là các bản làng vùng cao.
Rừng - nguồn lực kinh tế bền vững
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, tính đến hết năm 2024, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh đạt 671.596,3 ha, tăng gần 1.800 ha so với năm 2023. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng chiếm hơn 72.000 ha, rừng phòng hộ gần 293.000 ha và rừng sản xuất trên 306.000 ha. Đây là kết quả của những chính sách quản lý bền vững, khoán bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn bản, cũng như việc vận hành hiệu quả cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đường vào bản được bê tông hóa từ dịch vụ môi trường rừng.
Sơn La hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích rừng được chi trả DVMTR. Các dịch vụ này bao gồm: Cung cấp nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt; phát điện từ thủy điện; điều tiết nguồn nước và hạn chế bồi lắng hồ thủy lợi, thủy điện... Các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này có trách nhiệm đóng góp tài chính để bảo vệ rừng, từ đó hình thành nguồn thu ổn định cho các cộng đồng quản lý rừng.
Đổi thay rõ nét ở vùng cao
Nguồn thu từ DVMTR không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn thay đổi tư duy, nhận thức về giá trị của rừng. Từ việc chỉ trông chờ vào khai thác tài nguyên rừng như trước đây, người dân nay đã chủ động tham gia bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Đặc biệt, nhiều bản vùng cao đã biết sử dụng nguồn thu từ DVMTR một cách hiệu quả: trích một phần kinh phí làm đường nội bản, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, xây dựng nhà văn hóa, hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng thường xuyên hơn.
Xã hội hóa để làm công trình điện chiếu sáng nông thôn.
Điển hình như xã Chiềng Công (huyện Mường La), hàng năm nhận được hàng trăm triệu đồng từ chi trả DVMTR. Cộng đồng đã họp bàn, thống nhất trích một phần kinh phí để đổ bê tông các tuyến đường nội bản, lắp đèn năng lượng mặt trời, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Khẳng định vai trò cộng đồng trong bảo vệ rừng
Sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư thôn, bản đã trở thành nhân tố quyết định trong công tác bảo vệ rừng ở Sơn La. Thay vì giao khoán manh mún, tỉnh đã thúc đẩy mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý theo nhóm hộ, gắn trách nhiệm với quyền lợi rõ ràng.
Chính quyền các cấp cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định của Luật Lâm nghiệp, kỹ năng tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng, lập hồ sơ theo dõi diện tích rừng. Nhiều cộng đồng đã xây dựng được quy ước bảo vệ rừng riêng, duy trì đội tuần tra tự nguyện, phát huy tinh thần tự quản hiệu quả.
Không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, nhiều địa phương còn chủ động trồng rừng thay thế, phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần nâng cao độ che phủ rừng toàn tỉnh. Năm 2024, Sơn La đã thực hiện trồng mới hơn 1.000 ha rừng, tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những địa phương có độ che phủ rừng cao nhất khu vực miền núi phía Bắc.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Để nguồn thu từ DVMTR tiếp tục phát huy hiệu quả, Sơn La xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là duy trì và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích rừng sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát rừng như: Sử dụng thiết bị bay không người lái (drone), hệ thống viễn thám, phần mềm theo dõi diễn biến rừng... Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng dịch vụ chi trả môi trường rừng ra nhiều lĩnh vực mới như du lịch sinh thái, hấp thụ carbon.
Những nỗ lực này không chỉ giúp Sơn La bảo vệ lá phổi xanh của vùng Tây Bắc, mà còn khẳng định mô hình quản lý tài nguyên rừng gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Quốc Tuấn