(sonla.gov.vn) Thuận Châu, mảnh đất miền Tây Bắc đầy nắng gió, đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ với những giải pháp đồng bộ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và hiệu quả. Từ những nương ngô, đồi sắn truyền thống, giờ đây, huyện đã và đang định hình một nền nông nghiệp đa giá trị, từng bước nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế nông thôn.
Tái cơ cấu nông nghiệp từ nghị quyết đến hành động
Với khát vọng thoát khỏi đói nghèo và phát huy tiềm năng nông nghiệp đặc trưng, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Châu đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chiến lược, đặt nền móng cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Không chỉ dừng lại ở định hướng, huyện còn chủ động cụ thể hóa các mục tiêu vào quy hoạch sử dụng đất, phát triển ngành hàng nông sản và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm. Các ban ngành, đoàn thể đều phải vào cuộc, gắn công tác phát triển nông nghiệp với các chương trình mục tiêu quốc gia để mang lại hiệu quả thiết thực.
Diện tích trồng chè thay cho những nương ngô, nương sắn của người dân Thuận Châu.
Đến nay, Thuận Châu đã có 3.911 ha cây ăn quả, 1.377 ha chè và 6.658 ha cà phê. Toàn huyện duy trì trên 56.000 con trâu bò và 761.000 con gia cầm. Đặc biệt, đã hình thành 11 chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị, 25 cơ sở trồng trọt đạt chứng nhận VietGAP và 10 mã số vùng trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong giai đoạn 2021 - 2024, huyện đã xuất khẩu hàng trăm tấn xoài, chuối và thanh long sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nga và các thị trường khó tính khác.
Phát triển theo vùng, liên kết theo chuỗi
Một trong những điểm sáng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Thuận Châu là quy hoạch lại không gian sản xuất. Huyện đã xác định 3 vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, gắn liền với lợi thế sinh thái và điều kiện canh tác. Mỗi xã được định hướng phát triển một số nông sản chủ lực, từ đó tạo ra vùng sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn.
Nông dân huyện Thuận Châu có thu nhập cao từ trồng cây cà phê.
Cùng với đó là việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy liên kết "4 nhà" - Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp - nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang dần trở thành xu thế chủ đạo, giúp nông dân yên tâm mở rộng quy mô.
Đào tạo - hỗ trợ - kết nối thị trường
Nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giống cây, vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đồng thời phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và cung cấp thông tin thị trường một cách kịp thời, hiệu quả. Những chương trình này không chỉ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân mà còn giúp họ tự tin hơn trong việc áp dụng các mô hình nông nghiệp mới, thân thiện với môi trường và có giá trị kinh tế cao.
Nông nghiệp là trụ đỡ bền vững
Từ một địa phương có nền nông nghiệp manh mún, tự cung tự cấp, Thuận Châu đang vươn lên thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao của tỉnh Sơn La. Thành công này là kết quả của sự đồng bộ từ chủ trương đến hành động, từ quy hoạch đến thực thi, từ hỗ trợ kỹ thuật đến kết nối thị trường.
Bằng cách tiếp tục phát huy thế mạnh địa phương, đẩy mạnh liên kết sản xuất và nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, nông nghiệp Thuận Châu không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.
Quốc Tuấn