(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện phát triển văn hóa đọc đã được tỉnh Sơn La gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, được đa dạng hóa các hình thức, huy động mọi nguồn lực xã hội. Từ đó, giúp đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, nhiều văn bản đã được ban hành. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có Nghị quyết số 33 ngày 09/6/2014, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Các trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyền học sinh tích cực đọc sách.
Ngày 12/11/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc tiếp tục triển khai “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực của địa phương và đất nước. Hình thành nên thói quen, sở thích, kỹ năng đọc, xây dựng và phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, chú trọng tới người dân vùng sâu, vùng xa vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh.
UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức liên quan khác ở địa phương; gia đình và cộng đồng có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc. Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc phải gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhà nước hỗ trợ Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Sơn La, đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc.
Thực hiện “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai văn hóa đọc trong cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức đa dạng hoạt động tuyên truyền, như: Triển lãm, giới thiệu sách; thi kể chuyện theo sách; phục vụ đọc sách, tra cứu thông tin, xem phim tại ô tô thư viện lưu động; hưởng ứng “Ngày Sách Việt Nam 21/4”; “Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4”. Chỉ đạo Bảo tàng và Thư viện tỉnh duy trì, xây dựng các chi nhánh, trạm điểm sách của tỉnh tại các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, các huyện, thành phố; thường xuyên luân chuyển sách báo và hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách báo tại các chi nhánh, trạm điểm sách của tỉnh.
Phát triển, nâng cao các giá trị của văn hóa đọc.
Tính đến hết quý I/2024, tổng số sách, báo, tạp chí có trong thư viện của Bảo tàng và Thư viện tỉnh là 346.002 bản; bổ sung mới vào thư viện 143 loại báo, tạp chí; xây dựng, tạo lập cơ sở dữ liệu sách: 50/2.000 biểu; số lượt truy cập website: 244,642/1.000 lượt; số hóa 6.000 trang tài liệu; phục vụ 1.700 người đăng ký thẻ bạn đọc; 63.576 lượt bạn đọc đến thư viện; 234.809 lượt luân chuyển sách, báo; duy trì 10 chi nhánh, trạm, điểm sách trong toàn tỉnh và tủ sách của mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các tổ, bản trên địa bàn thành phố; tổ chức 10 cuộc phục vụ bạn đọc ở cơ sở bằng xe ô tô thư viện lưu động; biên soạn 06/24 số Điểm báo, Thư mục bài trích báo - tạp chí “Sơn La qua những trang báo, tạp chí”; biên soạn 03 số Thông tin chuyên đề; thực hiện 61 số tuyên truyền giới thiệu sách trên chuyên mục “Sách và cuộc sống”, “Mỗi ngày một cuốn sách”, “Thiếu nhi”...
Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, Thành phố đã triển khai chuỗi các hoạt động phong phú và thiết thực, như: Thi giới thiệu sách; thi tổ chức hoạt động phát triển mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” với 105 ngôi nhà trí tuệ, 54 thư viện nhân ái; thi giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc; quay video ca nhạc về Thành phố học tập toàn cầu với trên 400 nghệ sĩ, diễn viên là lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh các cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn Thành phố thể hiện.
Tại các trường học trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 như: Kể chuyện theo sách; trưng bày sách; nghe cán bộ thư viện giới thiệu các phương pháp đọc sách hiệu quả; trải nghiệm chọn, đọc sách tại các bàn trưng bày và tủ sách thư viện xanh; đăng ký mượn sách về nhà; văn nghệ chào mừng, ... Đây là những hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực để khẳng định vai trò của sách đối với đời sống tinh thần của con người. Thông qua các tư liệu trong ngày hội đã góp phần lan tỏa tình yêu sách, văn hóa đọc đến với mọi người đặc biệt là các em học sinh. Đồng thời, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu học tập, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, qua đó góp phần thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”.
Bên cạnh đó, Bảo tàng và Thư viện tỉnh còn tổ chức Ngày hội đọc sách tại huyện Bắc Yên và Phù Yên; trưng bày, triển lãm sách theo từng chủ đề; tổ chức các câu lạc bộ về sách; phát động, nhân rộng các mô hình tủ sách gia đình; tủ sách dòng họ; tủ sách cơ quan, trường học; tủ sách cộng đồng; hướng dẫn kỹ năng đọc sách. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu tác giả - tác phẩm; thi tuyên truyền giới thiệu sách; kể chuyện, vẽ tranh theo sách; hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp và các hình thức biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền việc học, đọc sách, phát động quyên góp sách... Thi “Xếp sách nghệ thuật”; trò chơi tương tác với sách, dưới hình thức “Rung chuông vàng”; giới thiệu những tác phẩm nổi bật trong kỷ nguyên số; tổ chức không gian đọc sách tại xe ô tô Thư viện lưu động.
Như Thủy