(sonla.gov.vn) Trong thời gian qua các ngành, các cấp tỉnh Sơn La đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, nổi bật là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt chỉ tiêu đề ra.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 57%, trong đó được cấp bằng, chứng chỉ là 22%; năm 2022 tỷ lệ này là 59%, trong đó được cấp văn bằng, chứng chỉ 24%; năm 2023 là 61%, trong đó được cấp văn bằng, chứng chỉ đạt 26%; đến năm 2025 khoảng 65%, trong đó được cấp văn bằng chứng chỉ là 30%. Thực hiện công tác rà soát, đề xuất sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, có phân tầng chất lượng. Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung công tác hướng nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Tăng cường tuyển sinh, đào tạo 14 nghề trọng điểm đã được phê duyệt. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở đào tạo, chủ động xác định các tiêu chí và chuẩn mực đánh giá chất lượng đào tạo.
Thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập với cơ cấu ngành nghề thuộc các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe; Nông, lâm nghiệp; Nội vụ; Công tác xã hội; Văn hóa, du lịch; Nghệ thuật ; Cơ khí; Công nghệ Ô tô; Điện dân dụng; Công nghệ Môi trường; Công nghệ Thông tin; Dịch vụ pháp lý... Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tập trung vào rèn kỹ năng nghề, gắn kết các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp đảm bảo học sinh, sinh viên có tay nghề thành thạo ngay trong khi đang học; đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của doanh nghiệp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: nghiệp vụ về du lịch, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, về ICT, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI),… Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo. Hợp tác với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hình thành các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai; tham gia vào quá trình đào tạo. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Phối hợp với các doanh nghiệp để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh sinh viên. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Đại học Tây Bắc trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo năm 2021, 2022 và đến ngày 15/3/2023 là 40.514 lao động thuộc các cấp trình độ, trong đó Đại học 2.708; Cao đẳng 1.353; trung cấp 4.522; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 19.822; tập huấn và chuyển giao công nghệ 12.109.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ cao giỏi cả về lý thuyết và thực hành đáp ứng được yêu cầu đào tạo cho học sinh, sinh viên. Tổng số đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 435 người trong đó: Trên Đại học 284; đại học 140; các trình độ còn lại 11. Tạo điều kiện để doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp; gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nghiên cứu, bổ sung đội ngũ giảng viên đào tạo các ngành nghề đáp ứng về nhu cầu nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chỉ đạo các nhà trường xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2026, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt Chiến lược phát triển của Trường Cao đẳng Sơn La đến năm 2025 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La, và các tỉnh Bắc Lào. Công tác đào tạo nghề là một trong những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tiếp cận được với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững; chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã cải thiện nâng cao. Tình hình phân bổ, sử dụng lao động đã có chuyển biến theo hướng tăng tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ lệ lao động trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp; phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới.
Diệp Hương