Hội thảo Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống phục vụ phát triển cây ăn quả
13/11/2024
(Mộc Châu) Ngày 12/11, tại huyện Mộc Châu, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La; Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hội giống cây trồng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đầu ngành về cây ăn quả của Việt Nam. Về phía tỉnh Sơn La có đại diện Lãnh đạo Hiệp hội cây ăn quả ôn đới tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn; lãnh đạo các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng, chế biến sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn huyện Mộc Châu.
Hội thảo Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống phục vụ phát triển cây ăn quả.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về cây ăn quả của Việt Nam đã định hướng phát triển cây ăn quả chủ lực của Việt Nam đến năm 2030, một số khó khăn thách thức và bước đột phá trong thời gian tới; giải pháp chọn tạo và sản xuất giống cây ăn quả ở Việt Nam; kết quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cây ăn quả tại Sơn La.
Theo định hướng đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 1,2 triệu ha cây ăn quả, sản lượng trên 14 triệu tấn quả, trong đó cây chủ lực 960.000 ha, sản lượng đạt từ 11-12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Đối với tỉnh Sơn La, hiện đã có trên 83.001 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt trên 450 nghìn tấn, đứng thứ 2 cả nước. Trong đó các loại cây chủ lực chủ yếu là: Xoài, Nhãn, Mận, Chuối, Dứa, Na, Cam… Viện Rau quả Việt Nam cũng đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho Sơn La nhiều loại giống khác nhau như: Nhãn chín muộn, chín sớm, cam chín sớm, cam không hạt, Na 13, 16, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ TL5… và các quy trình kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống cây ăn quả hiệu quả thấp; quy trình rải vụ thu hoạch cho các loại cây ăn quả tại Sơn La.
Cũng tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Sơn La, nhất là huyện Mộc Châu cần tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống trên địa bàn, rà soát để xây dựng kỹ thuật canh tác hợp lý cho từng đối tượng cây ăn quả chủ lực theo từng loại hình canh tác; đồng thời, nghiên cứu xác định đối tượng và biện pháp xen canh phù hợp cho từng đối tượng cây ăn quả chủ lực nhằm đa dạng hoá sản phẩm, giảm thiểu rủi ro của yếu tố thị trường, giúp người dân tăng thu nhập. Bên cạnh đó cần cải tạo đất, đa dạng sinh học, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết… Sơn La cũng cần có chính sách phù hợp để hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản và chế biến phù hợp với các vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực của địa phương.
Dương Quân