Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp
25/04/2025
(sonla.gov.vn) Những năm gần đây, các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là ngành nông nghiệp, nông dân đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Sơn La xây dựng, hình thành nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, như: Mô hình mận hậu, nhãn chín sớm, rau an toàn trái vụ, mô hình chăm sóc cây ăn quả, chè, cà phê theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; mô hình trồng na hoàng hậu, dâu tây... cho thu nhập cao. Nhiều hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các biện pháp đốn tỉa, bao trái, đầu tư nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới nước tự động, tạo ra các sản phẩm hoa quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường... Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; giúp người dân sản xuất nhiều nông sản chất lượng với chi phí đầu tư thấp nhưng bán được giá cao để nâng cao thu nhập. Tỉnh Sơn La công nhận 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 2 vùng chè, chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê, 1 vùng na, 1 vùng xoài tại huyện Mai Sơn và 3 vùng nhãn, mận, xoài tại huyện Yên Châu. Năm 2024, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt 8.687 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng từ 1,5-2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Toàn tỉnh có 5.596 ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và tương đương.
Hiện nay, chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu giúp nông dân sản xuất nhiều nông sản chất lượng với chi phí đầu tư thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Qua đó, tạo ra giá trị thặng dư của nền nông nghiệp số hướng đến phát triển kinh tế số. Điều này thể hiện rõ, không chỉ sử dụng các thiết bị thông minh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất mà nông dân tận dụng nền tảng số là các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, tìm thị trường cho sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân áp dụng chuyển đổi số đã thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp phát triển. Từ đó, tạo động lực, niềm tin cho những người làm nông nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo với những mô hình kinh tế mới; sản xuất nhiều nông sản chất lượng, mang thương hiệu đặc sản riêng của tỉnh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, sử dụng.
Diệp Hương