Tỉnh Sơn La tập trung phát triển cây cà phê theo hướng bền vững đảm bảo tiêu chuẩn
(sonla.gov.vn) Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để canh tác cây cà phê. Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển cây cà phê; hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại tỉnh. 

Đến hết năm 2023, diện tích sản xuất cà phê của tỉnh 20.926 ha; diện tích cho thu hoạch 17.717  ha, năng suất cà phê nhân đạt 19,39 tạ/ha, sản lượng cà phê nhân ước đạt 34.345 tấn. Tỉnh Sơn La đã được cấp Quyết định Công nhận vùng sản xuất 02 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039,5 ha, 1.560 hộ gia đình tham gia; phát triển cà phê đặc sản với diện tích là 1.120 ha, sản lượng đạt gần 1.000 tấn cà phê nhân; xây dựng duy trì và phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn với tổng diện tích 16 ha, sản lượng 132 tấn cà phê nhân/năm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất cà phê.

anh tin bai

Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2030, diện tích cà phê trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 25.000 ha.

Từ năm 2017 sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La. Đến nay vẫn duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” cho 7 tổ chức: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La; Công ty TNHH Cà phê Sơn La; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế - chi nhánh Sơn La; Công ty cà phê Phúc Sinh Sơn La; Hợp tác xã Bích Thao; HTX Aratay -Coffee; Công ty Cổ phần cà phe Detech. Toàn tỉnh hiện có 05 sản phẩm cà phê được chứng nhận Ocop, trong đó 1 sản phẩm (Cà phê bột nguyên chất) đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao (Aratay Coffee, Coffee Arabica Minh Trí, Trà quả cà phê), 01 sản phẩm đạt 3 sao (cà phê rang xay). Diện tích cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương là 19.270,9 lượt ha, sản lượng cà phê được chứng nhận trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 28.500 tấn cà phê nhân trên năm.

Năm 2023 UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 với chuỗi các sự kiện. Lễ hội với chủ đề "Arabica, Cà phê Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc" được tổ chức là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Arabica. Đồng thời, tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê; góp phần phát triển vùng trồng cà phê Arabica chất lượng cao, bền vững, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước. Lễ hội cũng nhằm thực hiện mục tiêu liên kết các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; đưa tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2030, diện tích cà phê trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 25.000 ha, sản lượng ước cà phê nhân ước đạt 40.000 tấn. Thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 20.000 ha. Hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao trở lên trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu và thành phố. Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTP (RA, 4C...) và được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khoảng 70 - 80% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Trong thời gian tới tỉnh tiếp nghiên cứu đưa một số giống cà phê chè có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định công nhận lưu hành giống cà phê THA1, H1, Stamaya phục vụ chương trình tái canh cà phê giúp nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; hỗ trợ cho tỉnh mở rộng diện tích trồng tái canh cà phê; sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận (hữu cơ, GAP, 4C, RA…) và các chứng nhận tương đương phục vụ nhu cầu xuất khẩu; hướng dẫn cho tỉnh Sơn La về quy định triển khai Khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu (EU) trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Lê Hồng

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1